Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Phân kỳ đầu tư nhưng vẫn phải bảo đảm tiêu chuẩn vận hành, khai thác hạ tầng giao thông

- Thứ Ba, 23/04/2024, 11:40 - Chia sẻ

Sáng 23.4, tiếp tục Phiên họp thứ 32, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” về lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phân kỳ đầu tư nhưng vẫn phải bảo đảm tiêu chuẩn vận hành, khai thác hạ tầng giao thông -2
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Trật tự an toàn giao thông đường bộ chuyển biến tích cực

Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” về lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, qua xem xét báo cáo của Chính phủ, các bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, sau khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được ban hành và có hiệu lực, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Phân kỳ đầu tư nhưng vẫn phải bảo đảm tiêu chuẩn vận hành, khai thác hạ tầng giao thông -3
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” về lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: Quang Khánh

Trong đó, Đoàn giám sát nhận thấy, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ bản đầy đủ, kịp thời. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật an toàn giao thông đường bộ đã cơ bản được triển khai thực hiện tốt, cơ bản duy trì thường xuyên liên tục, đa dạng về hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng khác nhau; đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hay, tạo sự lan tỏa tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông trong cộng đồng. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; công tác kiểm tra đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật gắn với công tác thi đua khen thưởng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Đoàn giám sát cũng nhận thấy, mạng lưới giao thông đường bộ trên phạm vi cả nước ngày càng được phát triển, thông suốt, nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp... Trong đó, đã tập trung ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm “nồng độ cồn”, quá tải trọng, xe “cơi nới” thành thùng, nhất là vi phạm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường. 

Tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ có những chuyển biến tích cực, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ của người tham gia giao thông được nâng cao, số vi phạm có xu hướng giảm, nhất là vi phạm về chở hàng quá tải trên đường bộ đã giảm mạnh, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện. Qua đó, số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm, đặc biệt là số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế.

Phân kỳ đầu tư nhưng vẫn phải bảo đảm tiêu chuẩn vận hành, khai thác hạ tầng giao thông -1
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Bên cạnh những ưu điểm, kết quả nêu trên, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ một số hạn chế, bất cập chủ yếu. Trong đó, việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông ở một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, đi lại của Nhân dân; công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là đánh giá mức độ an toàn giao thông đối với hệ thống giao thông đường bộ còn là khâu yếu; tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông diễn ra phức tạp, việc tùy tiện đấu nối vào các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt vẫn chưa được giải quyết triệt để; nguồn vốn chi thường xuyên được bố trí cho công tác quản lý bảo trì đường bộ còn thấp, chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu đối với hệ thống quốc lộ nói chung; việc phân cấp chưa rõ ràng nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng và bảo trì quốc lộ, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Công tác quản lý việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ vẫn còn hạn chế và sơ hở, nhiều phương tiện thay đổi kết cấu, nâng tải trọng hoặc quá niên hạn sử dụng nhưng chưa được phát hiện kịp thời; công tác quản lý hậu đăng ký, đăng kiểm vẫn còn coi nhẹ. Các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm xe ô tô chưa được triển khai quyết liệt; trong công tác đăng kiểm còn để xảy ra sai sót, sai phạm, thậm chí nhiều sai phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự…

Bên cạnh đó, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe tuy có nhiều đổi mới, nhưng chất lượng, kết quả vẫn còn hạn chế, dẫn đến nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ của một bộ phận không nhỏ người được cấp giấy phép lái xe chưa cao, tình trạng lái xe vi phạm pháp luật còn nhiều. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và rất nghiêm trọng có nguyên nhân từ kỹ năng điều khiển phương tiện của người lái xe…

Phân kỳ đầu tư nhưng vẫn phải bảo đảm tiêu chuẩn vận hành, khai thác hạ tầng giao thông -0
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Trên cơ sở làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế, tồn tại nêu trên, Đoàn giám sát đề nghị, Chính phủ kịp thời, tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khắc phục, giải quyết kịp thời những bất cập, hạn chế, nguyên nhân và thực hiện các giải pháp; đồng thời xây dựng Chương trình hành động tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng; rà soát, củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông; ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới để xây dựng, kết nối và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự an toàn giao thông đường bộ; xây dựng hệ thống báo cáo và phân tích tình hình trật tự an toàn giao thông cấp quốc gia và cấp tỉnh…

Làm rõ hơn về sản xuất, nhập khẩu, quản lý, đăng kiểm phương tiện

Cơ bản tán thành với Báo cáo kết quả giám sát bước đầu, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rộng, bao quát cả 4 lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy, thời gian đánh giá dài trong 15 năm, qua đó, đánh giá cao việc Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ động triển khai giám sát để phục vụ Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời tổ chức các đoàn công tác giám sát trực tiếp tại 12 tỉnh, thành phố… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tuy là báo cáo bước đầu kết quả giám sát nhưng đã có chất lượng tốt, kể cả về tư liệu, cách tiếp cận, cách viết, cách thể hiện các báo cáo đầy đủ, báo cáo tóm tắt, dự thảo nghị quyết.

Nhấn mạnh việc tập trung hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát kết hợp với trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ Bảy tới sẽ có ý nghĩa rất lớn, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Đoàn giám sát làm rõ hơn vấn đề sản xuất, nhập khẩu, quản lý, đăng kiểm các phương tiện giao thông nói chung.

Trong đó, về phương tiện giao thông đường bộ, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, cần tập trung đánh giá vấn đề đăng kiểm gắn với xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí về khí phát thải; các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đối với kết cấu hạ tầng giao thông; đánh giá phân kỳ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp tục củng cố các căn cứ, cơ sở khoa học thực tiễn để đưa ra những kiến nghị, đề xuất hợp lý trong quản lý và tổ chức vận hành giao thông thông minh…

Về phân kỳ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, do nguồn lực không đủ để đầu tư một lần nên phải phân kỳ đầu tư, nhưng vẫn phải bảo đảm tiêu chuẩn về vận hành, khai thác và bào đảm an toàn giao thông.

Phân kỳ đầu tư nhưng vẫn phải bảo đảm tiêu chuẩn vận hành, khai thác hạ tầng giao thông -4
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông phụ thuộc 3 yếu tố gồm: ý thức của người tham gia giao thông và lực lượng thi hành chấp pháp; kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện tham gia giao thông. Nhấn mạnh điều này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, Đoàn giám sát nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện hơn ở các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy trên các phương diện về thể chế, thi hành chấp pháp, người tham gia giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông, qua đó, sẽ có so sánh, kiến nghị, đề xuất phù hợp hơn.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát đôn đốc các bộ, ngành, các cơ quan gửi báo cáo đầy đủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an để hoàn thiện các nội dung Báo cáo kết quả giám sát trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Bên cạnh việc bổ sung các kiến nghị, đề xuất cụ thể hơn về hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, bổ sung các đề xuất về hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, quản lý đăng kiểm phương tiện giao thông; về đầu tư mạng lưới giao thông, giải quyết mối quan hệ giữa phân kỳ nhưng phải bảo đảm giao thông thông suốt; về phân bổ nguồn lực kết nối các loại hình giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt và hàng không…

Thanh Hải
#