Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Bình Định thảo luận tổ:

Phải bảo đảm quyền tiếp cận thông tin quy hoạch của người dân

- Thứ Năm, 20/06/2024, 17:35 - Chia sẻ

Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Phong (Vĩnh Long), dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn cần quy định việc công khai quy hoạch phải đăng tải đầy đủ cả quyết định, bản đồ, thuyết minh của các đồ án quy hoạch mới cũng như điều chỉnh quy hoạch để bảo đảm quyền tiếp cận của người dân.

Chiều 20.6, tiếp tục Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; dự án Luật Địa chất và Khoáng sản. 

Bổ sung nội dung "theo dõi, giám sát thực hiện quy hoạch” vào phạm vi điều chỉnh

Tại tổ 8 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Bình Định), các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. 

"Tôi nhất trí với việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, vì đáp ứng được các yêu cầu của Đảng và Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị, gắn kết chặt chẽ, kết hợp hài hòa giữa quy hoạch, phát triển đô thị với nông thôn, nhất là gắn với xây dựng nông thôn mới", ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) nói.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, khu vực nông thôn thuần túy sản xuất nông nghiệp sẽ dần thu hẹp và ngày càng xuất hiện nhiều thị tứ, thị trấn theo hướng đô thị hóa ở khu vực vốn là nông thôn. 

"Do đó, việc thống nhất hóa các quy định về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trong cùng một luật; hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn là rất cần thiết", đại biểu Tạ Thị Yên nói.

Tổ 8 -0
ĐBQH Nguyễn Thanh Phong (Vĩnh Long) phát biểu

Cũng nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, ĐBQH Nguyễn Thanh Phong (Vĩnh Long) đề nghị bổ sung nội dung “theo dõi, giám sát thực hiện quy hoạch” vào phạm vi điều chỉnh (Điều 1), bởi đây là điều người dân rất quan tâm.

Cùng với đó, theo đại biểu, dự thảo luật cần quy định rõ việc công khai quy hoạch trên cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải đăng tải đầy đủ cả quyết định, bản đồ, thuyết minh của tất cả các đồ án quy hoạch mới cũng như điều chỉnh quy hoạch tổng thể, điều chỉnh cục bộ, để người dân cập nhật được thông tin quy hoạch.

Về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn, dự thảo luật quy định UBND cấp xã tổ chức lập nhiệm vụ và quy hoạch chung xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn và các khu vực xây dựng thuộc địa bàn xã, thị trấn, khu vực để đấu giá hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, do mình quản lý (trừ một số trường hợp quy định trong luật). Trường hợp UBND  các xã chưa đủ năng lực thực hiện có thể lựa chọn đơn vị có năng lực tổ chức thực hiện hoặc UBND cấp huyện giao cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện tổ chức thực hiện (khoản 5 Điều 16).

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phong, dự thảo luật nên giao cho thẩm quyền của cấp huyện thực hiện, vì ở cấp xã còn khó khăn về nguồn nhân lực, trình độ năng lực… dẫn tới khó triển khai, thực hiện.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 (sắp có hiệu lực) quy định thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 10 năm, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất là 20 năm. Trong khi đó, dự thảo luật quy định thời hạn quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã, đô thị mới dự kiến trở thành thành phố, thị xã từ 20 đến 25 năm (khoản 5 Điều 21). “Cần điều chỉnh thời hạn của luật đồng bộ với thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp”, đại biểu Nguyễn Thanh Phong đề nghị.

Liên quan đến việc lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, chuyên gia được quy định các bước lập quy hoạch và bước thẩm định quy hoạch (khoản 1 Điều 36), đại biểu Nguyễn Thanh Phong đề nghị bỏ phần lấy ý kiến dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Theo đó, chỉ cần lấy ý kiến dân cư trong bước lập quy hoạch, nhằm giảm bớt thủ tục, đẩy nhanh tiến độ trong công tác lập quy hoạch.  

Cần có chế tài khi không thực hiện quy định về rà soát, điều chỉnh quy hoạch

Đại biểu Tạ Thị Yên đánh giá, việc dự thảo luật bổ sung, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch là rất cần thiết.

Điều này nhằm tháo gỡ một số bất cập trong thời gian qua, khi dự án xây dựng thay đổi mục tiêu, quy mô đầu tư và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư song không nằm trong các điều kiện để điều chỉnh quy hoạch - dẫn tới việc triển khai lập dự án gặp khó khăn, chậm tiến độ.

Việc quy định rõ nội hàm của các điều kiện điều chỉnh quy hoạch cũng để bảo đảm tính khoa học, đúng đắn trong việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch và hạn chế các lợi ích nhóm khi điều chỉnh quy hoạch.

Hơn nữa, việc bổ sung yêu cầu phải đánh giá tác động của việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch, bảo đảm không làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch đô thị và nông thôn là cần thiết.

Tổ 8 -0
ĐQBH Tạ Thị Yên (Điện Biên) phát biểu

Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề xuất, dự thảo luật cần có thêm quy định về chế tài đối với cơ quan, tổ chức khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định về rà soát và điều chỉnh quy hoạch. 

Đại biểu dẫn báo cáo của Bộ Xây dựng về tổng kết thi hành luật cho biết, trong triển khai thực tế, công tác rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch đôi khi còn chưa được kịp thời; nội dung đánh giá còn chưa đầy đủ, thấu đáo... Trên thực tế, một số đồ án quy hoạch chung khi thực hiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch đều tại thời điểm chưa triển khai thực thiện hết thời hạn quy hoạch.

"Một trong những nguyên nhân đó là pháp luật hiện hành về quy hoạch chưa có sự thống nhất, đồng bộ, chưa có quy định làm rõ cơ chế kiểm tra, giám sát về thực hiện công tác quy hoạch, chưa kiên quyết làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch", đại biểu nói.

Do đó, đại biểu đề xuất dự thảo luật bổ sung quy định về kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch; trách nhiệm và chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về rà soát và điều chỉnh quy hoạch để góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng quy hoạch treo hiện nay.

Ủng hộ dự thảo luật tăng cường phân cấp, phân quyền

Đại biểu Tạ Thị Yên thống nhất với việc tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn.

Cụ thể, dự thảo luật quy định Bộ Xây dựng chỉ chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên; quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng do Thủ tướng Chính phủ giao.

"Việc tăng cường phân cấp cho các địa phương tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới sẽ tạo điều kiện để các địa phương, cơ quan chủ động trong công tác quy hoạch, đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng khu vực theo từng giai đoạn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ lập, thực hiện dự án đầu tư xây dựng", đại biểu Tạ Thị Yên nói.

Đại biểu cũng ủng hộ dự thảo luật quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm để tận dụng cả về chiều cao lẫn chiều sâu của không gian đô thị.

Theo đại biểu, việc lập riêng quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc trung ương nhằm tối ưu hóa trong khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khai thác quỹ đất tại khu vực trung tâm, tạo điều kiện để thu hút, thúc đẩy sớm các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng ngầm gắn với hệ thống giao thông ngầm. 

Đồng thời, hướng tới đồng bộ, hiện đại về hạ tầng kỹ thuật và khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đất đai, giữ gìn các giá trị văn hóa lịch sử, nhất là vùng lõi đô thị cổ cần bảo tồn.

"Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy rõ xu thế tất yếu này", đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh.

Tin và ảnh: Hà Lan
#