Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm đều phải bị xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai!

- Thứ Bảy, 02/07/2022, 05:42 - Chia sẻ

10 năm qua (2012 - 2022), với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, có bước tiến mạnh và đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, được dư luận Nhân dân đồng tình, ủng hộ, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, từ thực tiễn công tác này, nhiều bài học, kinh nghiệm quý đã được rút ra, tạo tiền đề, cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Kiểm tra, kỷ luật của Đảng đi trước, mở đường - bài học quý cần được nhân rộng

Trong tham luận trình bày tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 do Bộ Chính trị tổ chức, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón cho biết, thời gian qua, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường kiểm tra, giám sát, đi trước, mở đường, phát hiện xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên là bài học kinh nghiệm cần được các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục phát huy và nhân rộng.

Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm đều phải bị xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai! -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022. Ảnh: Trí Dũng

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Bởi vì hai mặt này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm đều phải bị xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới; không có vùng cấm, không có ngoại lệ; không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, "gợi ý", "lót tay", gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cũng theo ông Trần Văn Rón, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập hơn 18 đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Nội dung kiểm tra tập trung những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội như: Việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; về đất đai, tài nguyên, khoáng sản; thực hiện các dự án đầu tư, như mua sắm trang thiết bị y tế; đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; hoạt động tư pháp; giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, thực hiện trách nhiệm nêu gương và công tác cán bộ... Qua kiểm tra, bước đầu đã phát hiện, xử lý và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nghiêm minh 87 đảng viên và 16 tổ chức đảng vi phạm, trong đó đã khai trừ ra khỏi Đảng 2 Ủy viên Trung ương Đảng. “Quyết tâm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã có tác dụng lan tỏa xuống các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, qua đó đã bước đầu khắc phục có hiệu quả tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng”, ông Trần Văn Rón cho biết.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thể hiện rõ bản lĩnh và tinh thần kiên quyết, mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra xuống đến cả cấp ủy, cấp huyện và cơ sở; xử lý dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời, qua các cuộc kiểm tra đã chỉ ra những điểm bất cập trong cơ chế, chính sách, kịp thời báo cáo, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp để chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi. “Đây cũng là một nét mới của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong nhiệm kỳ này”, ông Trần Văn Rón khẳng định.

Từ góc độ của ngành công an, trong tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cũng cho biết, thời gian qua, Đảng ủy Công an đã quyết liệt trong quán triệt, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chủ động phát hiện, xử lý nhiều cán bộ vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao theo đúng tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, góp phần làm trong sạch lực lượng.

Trong 10 năm qua, cơ quan điều tra các cấp trong công an Nhân dân đã khởi tố mới trên 16 nghìn vụ án, 26.800 bị can về các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; trên 2.600 vụ án, 5.800 bị can về các tội phạm tham nhũng, chức vụ. Công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá là một “điểm sáng”, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh rất lớn.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, giai đoạn 2012 - 2020, công tác điều tra đã có những bước tiến đột phá, làm rõ được bản chất của các vụ án, phân hóa trách nhiệm của từng đối tượng, bảo đảm xử lý nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn. Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý án tham nhũng, tiêu cực không chùng xuống mà tiếp tục có những bước tiến mới. Và điểm nổi bật là đã chủ động nhận diện tội phạm, lựa chọn khâu đột phá để phát hiện, xử lý tạo sự lan tỏa theo đúng phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người”. Điển hình là các vụ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, lợi dụng các chính sách phòng chống dịch Covid-19 để trục lợi... Nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, nhưng đều được phát hiện, điều tra làm rõ, điển hình như vụ Công ty Việt Á; vụ lợi dụng các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước để trục lợi; vụ Tân Hoàng Minh, FLC...

Chủ động phát hiện, xử lý, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn

Kết quả đạt được là rõ rệt, toàn diện và vô cùng quan trọng, song nhìn nhận thẳng thắn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy  ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón cũng chỉ rõ, tình hình vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi ở trong cách vi phạm và nghiêm trọng hơn về mức độ, nguy cơ gia tăng về số lượng và các các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm quyền, lộng quyền, vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng đang còn nghiêm trọng ở nhiều cấp, nhiều ngành.

Mặc dù đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, xử lý nhiều cán bộ cấp cao, nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn tiềm ẩn, "nhiều đối tượng chưa biết sợ”. Dẫn chứng cho điều này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, từ tháng 4.2020, khi mới bắt đầu đại dịch Covid-19, các cơ quan tố tụng đã xử lý vụ CDC Hà Nội về lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, lúc đó Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã cân nhắc rất kỹ giữa phòng, chống dịch và xử lý để cảnh tỉnh. Tuy nhiên, “vừa qua vẫn phải xử lý vụ Việt Á - đây là việc cho thấy "một số nhóm đối tượng chưa biết sợ", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhận định. Từ thực tiễn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, trong các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nếu không được giám sát, kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đều có nguy cơ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Do đó, cần làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong nội bộ các cơ quan, đơn vị để chủ động phát hiện, xử lý các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn. Trong đó, quy định cụ thể thời hạn nhiều nhất tất cả các cơ quan, đơn vị phải được kiểm tra, giám sát, tránh trường hợp có nơi thì kiểm tra nhiều lần nhưng có nơi không kiểm tra và thời hạn nhất định phải khắc phục khuyết điểm sau khi kiểm tra, giám sát; có cơ chế tái kiểm tra việc khắc phục khuyết điểm...”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị.

Kiểm tra, kỷ luật của Đảng đi trước, mở đường đã và đang là bài học thực tiễn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhấn mạnh bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, ông Trần Văn Rón nêu rõ, điều này đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để xác định đây là công việc hệ trọng, được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, không tự thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đạt được để phấn đấu thực hiện thành công các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Mục tiêu là kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, về tham nhũng, tiêu cực theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là: Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm đều phải bị xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai.

Lam Giang