“Đúng vai, thuộc bài” - câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà mỗi vị đại biểu cần có trong hành trang của mình

- Thứ Bảy, 20/07/2024, 08:00 - Chia sẻ

LÊ VIỆT TRƯỜNG - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Ngày 19.7.2024, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần lúc 13 giờ 38 phút, tôi vô cùng bàng hoàng, xúc động. Thực sự với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, là nhà chính trị sắc sảo, trí tuệ, nhà lý luận xuất sắc của Đảng; suốt đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, không thể nào quên. Nhiều tư tưởng, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội khóa XII khi ấy đến nay, vẫn đang được tiếp nối tại nghị trường Quốc hội. Và “đúng vai, thuộc bài” là một trong những tư tưởng như vậy.

Kỳ họp thứ nhất
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XII. Ảnh tư liệu

Tôi có may mắn được phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội 5 nhiệm kỳ liên tiếp từ Quốc hội khóa IX đến Quốc hội khóa XIII, trên cả 2 cương vị: công chức nhà nước và Đại biểu Quốc hội. Nhìn lại chặng đường mà bản thân được trải nghiệm cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ và rất tâm đắc lời nhắc nhở nhẹ nhàng, sâu sắc, không thừa, không thiếu của vị Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng dành cho các vị ĐBQH trên nhiều diễn đàn được gói gọn trong 4 chữ “Đúng vai, thuộc bài”.

Đúng vậy, sinh ra và trưởng thành, không ai trong chúng ta được đào tạo sẵn để làm ĐBQH. Mỗi người trở thành ĐBQH với một địa vị pháp lý, địa vị xã hội khác nhau. Trong số các ĐBQH có ĐBQH hoạt động theo chế độ chuyên trách, có ĐBQH hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, có ĐBQH còn gánh thêm vai thành viên cơ quan của Quốc hội. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức hoặc tính chất đặc thù của lĩnh vực hay công việc mà ĐBQH đảm nhiệm khi được bầu làm ĐBQH là không giống nhau, nhưng khi hoạt động với địa vị pháp lý là ĐBQH thì phải tuân thủ những quy định của Hiến pháp, pháp luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, ĐBQH và Đoàn ĐBQH.

Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.

Hiệu quả hoạt động của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp của Quốc hội, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, các ĐBQH và hiệu quả của sự phối hợp hoạt động với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức khác.

Thực tế cho thấy, trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH có lúc, có nơi, biểu hiện hành chính hóa các hoạt động của cơ quan dân cử đã xuất hiện. Hiện tượng “ăn cây nào rào cây đó” hoặc “là cánh tay nối dài của cơ quan hành pháp” mà biểu hiện là sự e dè, cả nể, né tránh đã tác động vào chất lượng phản biện, tính khách quan, tính công bằng trong hoạt động thẩm tra, giám sát, xem xét quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là quyết định phân bổ ngân sách...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội khóa XV. Ảnh tư liệu

Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực báo chí, với sự nhạy cảm của một nhà báo dày dạn kinh nghiệm, Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng đã sớm nhìn thấy những biểu hiện tưởng như “bình thường” ấy, nhưng nếu không kịp thời uốn nắn thì hậu quả sẽ vô cùng to lớn, khó có thể khắc phục trong một sớm một chiều. Tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH mà bị hành chính hóa, là cánh tay nối dài cho cơ quan hành pháp thì Quốc hội tồn tại chỉ là hình thức, không còn là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất như quy định của Hiến pháp.

Vì thế, trên nhiều diễn đàn và khi trực tiếp làm việc với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khi ấy đã nhắc chúng tôi cần “Đúng vai, thuộc bài”, “Ủy ban Quốc phòng và An ninh không phải là cánh tay nối dài của hai bộ”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình trước kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khoá XII, ngày 3.5.2010. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Quốc hội cũng giải thích cho chúng tôi thể nào là “thuộc bài”, thế nào là “đúng vai” một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ với tinh thần cơ bản “thuộc bài” là nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật đối với Quốc hội nói chung, Ủy ban nói riêng để thực hiện cho đúng, “đúng vai” là vai làm luật, sửa đổi luật, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Năm 2026, Quốc hội nước ta sẽ kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (6.1.1946). Chặng đường 80 năm với 15 nhiệm kỳ Quốc hội, nguyên tắc “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2, Hiến pháp năm 2013) đã được thực tế kiểm nghiệm.

Để bảo đảm nguyên tắc này trên thực tế, 4 chữ  “Đúng vai, thuộc bài” mà Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng lưu ý các ĐBQH vẫn còn nguyên giá trị và là điều cần có trong hành trang của mỗi vị ĐBQH.

Theo tôi “Đúng vai, thuộc bài” không đơn giản chỉ là lời nhắc nhở, yêu cầu của Người đứng đầu cơ quan lập pháp khóa XII khi ấy mà thực sự đó chính là phương châm hành động của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, ĐBQH và Đoàn ĐBQH để bảo đảm thực chất sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước.

13 giờ 38 phút ngày 19.7.2024, Người đứng đầu cơ quan lập pháp khóa XII khi ấy, nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi vô cùng bàng hoàng, xúc động.

Thực sự với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, là nhà chính trị sắc sảo, trí tuệ, nhà lý luận xuất sắc của Đảng; suốt đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, không thể nào quên. Nhiều tư tưởng, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội khóa XII khi ấy đến nay, vẫn đang được tiếp nối tại nghị trường Quốc hội. Và “đúng vai, thuộc bài” là một trong những tư tưởng như vậy.

#