Cho ý kiến hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân

- Thứ Hai, 26/02/2024, 18:02 - Chia sẻ

Chiều 26.2, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo cho ý kiến vào hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì hội thảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo - Ảnh H.Ngọc
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Tham dự có đại diện Thường trực các Ủy ban: Pháp luật, Kinh tế, Tư pháp, Xã hội, Tài chính - Ngân sách, Văn hóa, Giáo dục; đại diện Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, hội thảo là bước đầu để bàn về Tờ trình và đề cương chi tiết, là cơ sở để tổ chức các hội thảo tiếp theo và lập hồ sơ đề nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh năm 2024.

Đánh giá cao sự tích cực và sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là dự luật hình thức, nhưng rất khó, khó bởi đối tượng, phạm vi và việc xác định căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn, đặc biệt là mảng hoạt động giám sát của HĐND.

Về nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tiếp tục rà soát cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, làm rõ cơ sở chính trị nào chưa được thể hiện trong Tờ trình? 

Đơn cử, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, hoạt động giám sát của Quốc hội phải bám sát, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của Nhân dân, đồng thời phải gắn với lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đây vừa là cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Hay, Nghị quyết số 27 - NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đề nghị, tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội, phù hợp với thực tiễn; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát các văn bản quy phạm pháp luật; chú trọng việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát (giám sát lại, giám sát đến cùng); thực hiện nghiêm việc lấy phiếu tín nhiệm…

Quan điểm, chủ trương của Đảng về HĐND còn ít được đề cập trong Tờ trình, mà chủ yếu là các Nghị quyết của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động của HĐND và hoạt động giám sát của HĐND, thì cơ sở chính trị này đã đủ vững chưa?

Gợi mở những vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phải rà soát, bổ sung đầy đủ cơ sở chính trị của việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này.

Về cơ sở pháp lý, cùng với Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân là một nhánh chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và HĐND - cơ quan dân cử tại Trung ương và địa phương. Có phải địa vị pháp lý của dự án Luật là như vậy hay không? Đề nghị các đại biểu cùng thảo luận và thể hiện rõ nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

toàn cảnh Hội thảo - Ảnh H.Ngọc
Toàn cảnh hội thảo

Đối với cơ sở thực tiễn, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, chúng ta đã có báo cáo tổng kết đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội cũng như báo cáo tổng kết đề nghị xây dựng Luật; và gần đây đã chỉ đạo việc tổng kết hoạt động giám sát của HĐND các cấp… - cần xem các nội dung này đã đầy đủ hay chưa? Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV và Khóa XV đã áp dụng một số đổi mới đối với hoạt động giám sát của Quốc hội - vậy đã đủ cơ sở thực tiễn để luật hóa các quy định này hay chưa?

Về mục đích, quan điểm xây dựng Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục bám sát nguyên tắc: Vấn đề nào đã chín, đã rõ, đủ điều kiện thì luật hóa, còn lại phải quy định ở tầm dưới luật, thậm chí có vấn đề không phải do luật, hay văn bản dưới luật mà do chúng ta làm chưa đúng cũng cần phân tích hết sức rạch ròi. Theo đó, cần xác định trọng tâm, trọng điểm những vấn đề đã chín, đã rõ, chứ không phải cứ bất cập là đưa vào Luật. Nếu đưa vào Luật thì phải phù hợp với khả năng giải quyết trong nhiệm kỳ này, thời điểm này; còn nếu không đủ khả năng, cơ sở giải quyết, thì phải quy định trong văn bản dưới luật để làm thí điểm...

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại Hội thảo - Ảnh H.Ngọc
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại hội thảo

Trước đó, phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, đây là hội thảo thứ hai tiếp nối chuỗi các hoạt động trong quy trình lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật. Dự kiến từ nay đến trung tuần tháng 3, Hội đồng Dân tộc sẽ tổ chức 3 hội thảo tại các khu vực miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam. Đây là các diễn đàn rất quan trọng để Hội đồng Dân tộc, Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập dự án Luật cũng như các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận đối với các vấn đề liên quan trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận thẳng thắn, có trách nhiệm, tập trung vào sự cần thiết, tính hợp lý, phù hợp, khả thi của chính sách về bảo đảm thực thi kết luận, kiến nghị giám sát trong hồ sơ lập đề nghị; cho ý kiến đối với những đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan nêu trong dự thảo Tờ trình và Báo cáo đánh giá tác động chính sách. Đồng thời, kiến nghị thêm các giải pháp, nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật hiện hành để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả thực thi các kết luận giám sát.

Tin và ảnh: Hoàng Ngọc
#