Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ

Cần cơ chế thử nghiệm cho công nghiệp quốc phòng, an ninh

- Thứ Tư, 08/11/2023, 20:03 - Chia sẻ

Đầu tư cho nghiên cứu khoa học phải chấp nhận rủi ro. Với lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh cũng vậy. Do đó, cần nghiên cứu và mạnh dạn có cơ chế, chính sách mang tính chất thử nghiệm trong một số điều khoản Luật.

Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề xuất như vậy trong phiên thảo luận tại Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, chiều 8.11.

Cần cơ chế thử nghiệm cho công nghiệp quốc phòng, an ninh -0
Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ chiều 8.11. Ảnh: V. Thủy

Xây dựng Luật để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa

Theo Tờ trình của Chính phủ, hiện nay, cơ sở pháp lý chung điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp cao nhất là Hiến pháp 2013 (Điều 14, Điều 68), Luật Quốc phòng 2018, Luật Công an nhân dân và các Luật chuyên ngành khác. Cơ sở pháp lý trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp quốc phòng là Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, điều chỉnh lĩnh vực động viên công nghiệp là Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp an ninh là Nghị định số 63/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào tầm Luật điều chỉnh trực tiếp về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, nhất là luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; đồng thời, để thống nhất với các Luật ban hành trong thời gian qua quy định về vấn đề này như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quy hoạch, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, … Do đó, đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật để điều chỉnh những quy định về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ chiều 8.11, đa số các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết phải xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, nhằm thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Cần cơ chế thử nghiệm cho công nghiệp quốc phòng, an ninh -0
ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: V. Thủy

Không những thế, việc xây dựng Luật còn góp phần bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, hạn chế thấp nhất nhập khẩu vũ khí. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển tốt nhất công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp, ĐBQH Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Làm rõ cơ chế phối hợp giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp an ninh

Tuy vậy, theo ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng, dù các cơ sở về lý luận, thực tiễn, căn cứ pháp lý để xây dựng Luật đã rất rõ, song vẫn còn một số băn khoăn. Đó là cơ chế khi định ra nguyên tắc “tôi làm, anh không làm; anh làm thì tôi không làm; chúng ta cùng phối hợp để làm tốt hơn trong lĩnh vực đặc thù”. Muốn vậy, cần có một trung tâm điều phối và chắc chắn đó phải là Chính phủ, song “liệu Chính phủ có đủ thời gian, công sức, năng lực để điều phối việc này không?”, đại biểu đặt vấn đề.

Cần cơ chế thử nghiệm cho công nghiệp quốc phòng, an ninh -0
ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: V. Thủy

Đại biểu cũng nêu rõ, trước khi trình ra Quốc hội thì có 4 đề cương chi tiết về chính sách. Song nếu cả Công an và Quốc phòng đều làm đề cương này thì có hợp lý không, hay cần tích hợp vào một chính sách chung? “Công an và Quốc phòng phải có chính sách như nhau trong công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, không thể công nghiệp quốc phòng có chính sách ưu đãi cao hơn an ninh, trừ trường hợp có đặc thù hơn, nhưng đặc thù thì chưa rõ”, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng phát biểu, đồng thời đề nghị cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm.

Cũng theo vị đại biểu này, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26.1.2022 của Bộ Chính trị Khóa XIII về Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, có nêu rõ, ngành công nghiệp quốc phòng phải là ngành đặc thù, được chăm lo phát triển theo cơ chế đặc thù, được ưu tiên trong đầu tư phát triển, huy động tối đa các thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ cho công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, tính đặc thù trong dự thảo Luật vẫn chưa rõ.

Nhấn mạnh nếu không có khác biệt trong chính sách sẽ không ra được sản phẩm mới và không có được nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, hiện đại, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng kiến nghị, cần tập trung quan tâm đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. “Nếu làm tốt mà có chính sách đúng, phù hợp, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm sẽ có được những sản phẩm tiếp cận được thị trường thế giới”, đại biểu tin tưởng.

ĐBQH Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, Luật này phải bảo đảm tương đồng với các luật khác. Song, do là công nghiệp quốc phòng, an ninh nên trong các điều khoản “nhiều khi phải có cách tiếp cận giống như sandbox” (cơ chế thử nghiệm thí điểm).

Dẫn phát biểu của Thủ tướng tại phiên chất vấn sáng 8.11 rằng đầu tư cho nghiên cứu khoa học phải chấp nhận rủi ro, đại biểu Phan Văn Mãi cho rằng, đối với lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh cũng thế. Ở thời điểm hiện tại có thể đầu tư để phục vụ nghiên cứu và sử dụng cho dân dụng, nhưng một lúc nào đó có thể sử dụng cho quốc phòng, an ninh và ngược lại.  Vì thế, “cần nghiên cứu và mạnh dạn có cơ chế, chính sách mang tính chất thử nghiệm trong một số điều khoản”, ĐBQH Phan Văn Mãi đề xuất.

Còn theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, trong lĩnh vực công nghệ, nghiên cứu thì giữa công nghiệp an ninh với công nghiệp quốc phòng “có những lúc không thể tách rời”. Song, dự thảo Luật chưa làm rõ sự phối hợp giữa hai ngành công nghiệp này. Nếu không làm rõ về cơ chế phối hợp này sẽ dễ gây ra tình trạng lãng phí. “Cần có một số điều khoản để buộc các đơn vị phải phối hợp, để không chồng lấn lên nhau”, đại biểu đề xuất.

Mặt khác, theo đại biểu, dự thảo Luật cũng cần làm rõ việc phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, khi phục vụ quốc phòng, an ninh được hưởng các ưu đãi, song nếu chuyển sang thương mại hóa thì các nguồn thu hay ưu đãi cần được xử lý thế nào.

Ngoài ra, trong đề cương của Bộ Công an có liệt kê một số ưu đãi, song đề cương của Bộ Quốc phòng thì không, như ưu đãi về cấp quyền sử dụng đất không thu tiền, ưu đãi về bảo lãnh, ưu đãi về thế chấp… Trong Nghị định cho công nghiệp an ninh cũng như nghị định chung về quốc phòng, an ninh có ghi về xuất khẩu, song nghị định riêng của quốc phòng lại không nói đến chuyện này. “Tới đây, khi thiết kế nghị định thì cần lưu ý quốc phòng hiện xuất khẩu rất mạnh và với nhiều quốc gia thì đây là nguồn lực rất lớn”, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa lưu ý.

Vũ Thủy
#