Rà soát lại để tránh chồng chéo
Theo Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 thì Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.
Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của Nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa.
Xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao; phát huy tính đại chúng, tính khoa học, tính dân tộc của văn hóa thông qua đổi mới sáng tạo; nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để phát triển văn hóa trong thời gian tới…
Thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, các đại biểu Quốc hội thuộc Tổ 18 cơ bản tán thành về sự cần thiết phải đầu tư cho Chương trình này bởi đã đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước. Đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.
Việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Phân tích cụ thể hơn, theo ĐBQH Trương Quốc Huy (Hà Nam), văn hóa là xu hướng rất cần cho kinh tế nên việc ban hành chương trình là cần thiết. Tuy vậy để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, ĐBQH Trương Quốc Huy đề nghị rà soát lại các chương trình mục tiêu quốc gia khác để tránh chồng chéo. Bố trí kinh phí, cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Với các địa phương phát triển có thể bố trí nguồn lực ít hơn, các địa phương khó khăn nhưng có tiềm năng nên bố trí nguồn lực nhiều hơn.
ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nhấn mạnh, đã là chương trình mục tiêu quốc gia thì phải giải quyết những vấn đề cấp bách, có mục tiêu cụ thể. Chương trình này rất rộng cả về phạm vi đối tượng và địa bàn, liệu có chồng chéo với các chương trình mục tiêu quốc gia khác không? Về nguồn lực, với điều kiện như hiện nay có đáp ứng, có bảo đảm được không?
Hơn nữa hiện nay cũng chưa có dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này do đó cần cân nhắc. Bên cạnh đó, cần tập trung đầu mối tham gia chương trình vì như thế sẽ rất khó quản lý và quản lý hiệu quả - ĐBQH Cao Thị Xuân kiến nghị.
Bảo đảm công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ
Về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Tờ trình của Chính phủ cho biết, Luật Công đoàn thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới như đối tượng, phạm vi điều chỉnh còn hẹp so với sự phát triển nhanh, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn.
Hệ thống tổ chức, việc phân công, phân cấp giữa cấp ủy địa phương với tổ chức Công đoàn về công tác tổ chức, cán bộ còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Một số quy định về tài chính công đoàn chưa được bổ sung cụ thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, chưa rõ cơ chế giám sát và việc thực hiện công khai, minh bạch. Cơ chế bảo đảm thực thi quyền công đoàn cũng như cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa đầy đủ và tính khả thi chưa cao.
Bởi vậy, việc sửa đổi Luật Công đoàn là cần thiết nhằm hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới. Hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam.
Hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn, bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới…
Thảo luận về dự án Luật, các đại biểu đều tán thành về sự cần thiết phải sửa đổi luật như trong tờ trình và báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên, đối với việc mở rộng đối tượng tham gia công đoàn, ĐBQH Đào Ngọc Dung (Thanh Hóa), ĐBQH Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng.
Về mức đóng kinh phí công đoàn 2%, ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cho rằng tương đối phù hợp với bối cảnh, nhiệm vụ chung hiện nay. Nếu giảm, việc chăm lo cho công đoàn viên có thể sẽ kém đi…