Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi):

"Hóa giải" nỗi buồn, tạo động lực sáng tạo cho văn nghệ sỹ

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 12:31 - Chia sẻ

Theo các đại biểu Quốc hội, việc bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu là đối tượng được xét danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) chính là sự tiếp nhận tâm tư và nguyện vọng chính đáng, sẽ "hoá giải nỗi buồn" và tạo động lực lớn cho sáng tạo, cống hiến của giới văn nghệ sỹ, nhất là những người làm công việc sáng tác, các soạn giả. Điều này cũng rất phù hợp với tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua.

Bảo đảm chất lượng và chặt chẽ hơn 

Tiếp tục phiên họp sáng nay, 27.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý và cho rằng, nhiều nội dung đã bảo đảm chất lượng và chặt chẽ hơn so với dự thảo trình Quốc hội trước đây. 

Quan tâm đến danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú”, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), ĐBQH Trần Thị Thu Đông (Cà Mau) ủng hộ quy định mở rộng đối tượng xét tặng cho các cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sỹ, họa sỹ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên. Quy định này sẽ tạo thêm động lực cho những nghệ sỹ hoạt động và cống hiến trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐB Trần Thị Thu Đông cho biết, việc bổ sung danh hiệu thi đua đối với kiến trúc sư là cần thiết. Theo đó, Ban soạn thảo cần đưa vào trong luật danh hiệu “Kiến trúc sư Nhân dân”; “Kiến trúc sư Ưu tú” hoặc phong tặng danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân”, Nghệ sỹ Ưu tú” vì lao động của kiến trúc sư là lao động sáng tạo. Mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm lao động nghệ thuật, nhất là công trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi tác phẩm nghệ thuật có thể góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Cà Mau) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trong lĩnh vực văn học, ĐB Trần Thị Thu Đông nêu rõ, những tác phẩm đạt giải thưởng cao đã đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, giáo dục chân – thiện – mỹ cho nhân dân. Nhà văn cũng là nghệ sỹ, chiến sỹ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Vì vậy, họ cũng nên là đối tượng được xét phong tặng “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” hoặc là “Nhà văn Nhân dân”, “Nhà văn Ưu tú” nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.

Bổ sung đối tượng được xét danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú”

Trước đó, sáng cùng ngày, trình bày Báo cáo Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, qua quá trình lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật vẫn còn ý kiến rất khác nhau liên quan đến đối tượng được xét danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 phương án về Điều 66 để ĐBQH thảo luận và cho ý kiến. Cụ thể, Phương án 1: Bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu là đối tượng được xét danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” tại khoản 1 và bổ sung tiêu chuẩn tại khoản 2, khoản 3 để phù hợp với việc bổ sung đối tượng. Phương án 2: Giữ như quy định về đối tượng, tiêu chuẩn của Luật hiện hành. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án 1

Cần xét tặng danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” cho người sáng tác 

Theo ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu), việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án 1 bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu là đối tượng được xét danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” chính là tiếp nhận những ý kiến, kiến nghị, tâm tư và nguyện vọng của giới văn, nghệ sỹ. Điều này sẽ tạo động lực lớn cho sáng tạo, cống hiến của giới văn nghệ sỹ và phù hợp với tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức rất thành công và đầy ý nghĩa vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Từng có thời gian làm công tác quản lý nhà nước về công tác văn hóa, nghệ thuật, ĐB Nguyễn Huy Thái bày tỏ, giới nghệ sỹ hầu như ai cũng mang trong mình sự đa cảm, đa đoan, ngại nói về đãi ngộ, tiền thưởng, về những yếu tố mang tính quyền lợi. Nhưng nếu được quan tâm, đãi ngộ khen thưởng xứng đáng, thì đây chính là động lực tinh thần vô giá để giới văn nghệ sỹ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, tạo nên những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật thực sự có giá trị. Và chính những sản phẩm văn hóa ấy sẽ tạo động lực cho mọi ngành, mọi giới.

ĐB Nguyễn Huy Thái nhấn mạnh, “xét tặng danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân” và “Nghệ sỹ Ưu tú” cho những người hoạt động văn học, nghệ thuật có đủ điều kiện là hình thức khen thưởng xứng đáng, để các đồng chí này không ngừng lao động, sáng tạo, từ đó cho ra các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có chất lượng cao, bồi dưỡng tâm hồn, tình yêu thương đất nước nhân dân, nhất là với thế thệ trẻ. Chúng ta có nỗi buồn từ nhiều năm nay, chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đó là danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” chỉ được xét trao cho nghệ sỹ biểu diễn mà không trao cho nghệ sỹ sáng tác. Nếu quy định tại Điều 66 được Quốc hội thông qua theo phương án 1, sẽ hóa giải những nỗi buồn đó.

Hoàng Ngọc
#