Xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng

- Thứ Năm, 09/05/2024, 07:10 - Chia sẻ

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các tòa án đã tiến hành xét xử 69 vụ án kinh tế, tham nhũng, với 216 bị cáo; đã tuyên thu hồi tiền, tài sản trị giá trên 1.662 tỷ đồng. Trong đó, có 59 vụ, với 188 bị cáo đã khắc phục hậu quả, nộp lại số tiền chiếm đoạt trên 266 tỷ đồng. Đây là thông tin đáng chú ý được nêu trong Báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình về công tác của các tòa án được gửi tới Quốc hội, Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV.

Có thể nói, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cử tri, Nhân dân đặc biệt quan tâm. Với quyết tâm của Đảng, đặc biệt là quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan chức năng, công tác đấu tranh với tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2024 (tính từ ngày 1.10.2023 đến ngày 31.3.2024), với các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 2.862 vụ với 6.451 bị cáo; đã xét xử 1.910 vụ với 3.754 bị cáo, so với cùng kỳ năm 2023, thụ lý tăng 841 vụ với 1.853 bị cáo, xét xử tăng 695 vụ với 1.394 bị cáo; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 695 vụ với 1.337 bị cáo, đã xét xử 305 vụ với 597 bị cáo; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 13 vụ với 16 bị cáo, đã xét xử 4 vụ với 5 bị cáo. 

Các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ mà tòa án đã xét xử chủ yếu phạm các tội về “Tham ô tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”… Quá trình xét xử, các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung. Chủ động làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án dân sự trong công tác giải quyết các vụ án; tham gia phối hợp chặt chẽ ngay từ giai đoạn điều tra, hỗ trợ tích cực về mặt pháp luật, thu thập chứng cứ, tháo gỡ vướng mắc nghiệp vụ để thực hiện tốt công tác xét xử, kịp thời thu hồi các tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong vụ án.

“Cùng với việc quyết định hình phạt, tòa án cũng tuyên tịch thu sung công quỹ đối với những khoản tiền nhận hối lộ, được hưởng lợi từ việc phạm tội hoặc phải bồi thường, khắc phục hậu quả đối với những khoản tiền bị thất thoát, chiếm đoạt” - Báo cáo nêu rõ.

Thời gian qua, hàng loạt vụ án lớn được Nhân dân, dư luận đặc biệt quan tâm đã được đưa ra xét xử với số lượng bị cáo lớn, liên quan đến nhiều cơ quan, địa phương. Điển hình như vụ án Việt Á, Tân Hoàng Minh, chuyến bay giải cứu, vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát... Các tòa án tổ chức xét xử nghiêm minh, bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Qua đó, đã xử lý nghiêm một số vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội.

Với 266 tỷ đồng mà 188 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại cho thấy, việc xử lý vừa nghiêm minh, vừa thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật của Nhà nước ta đã phát huy hiệu quả. Xử lý nghiêm minh để răn đe là cần thiết, nhưng cùng với đó tạo cơ hội cho các đối tượng phạm tội có cơ hội để sửa sai, để sớm hòa nhập cộng đồng. Và mục tiêu quan trọng cuối cùng trong xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng là thu hồi tối đa tiền, tài sản thất thoát cho Nhà nước.

Việc đưa số vụ án kinh tế, tham nhũng ra xét xử trong 6 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ cho thấy sự nỗ lực rất lớn của ngành tòa án cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng trong đấu tranh với tham nhũng. Kết quả này được Nhân dân, dư luận đánh giá cao. Qua đó, nâng cao niềm tin của Nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Để đẩy lùi tham nhũng, việc xét xử nghiêm minh là cần thiết. Nhưng công cuộc này sẽ triệt để hơn, hiệu quả hơn nếu chúng ta thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng ngừa tham nhũng như: công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực…

Lê Hùng
#