Vì sao chưa hấp dẫn?

- Thứ Tư, 08/05/2024, 07:38 - Chia sẻ

Từ ngày 22.4 đến ngày 3.5, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 4 phiên đấu giá vàng miếng nhưng chỉ có duy nhất một phiên thành công. Ba phiên còn lại bị hủy do không đáp ứng các điều kiện.

Cụ thể trong lần đấu thầu đầu tiên, các doanh nghiệp không kịp chuyển tiền đặt cọc vì thông báo mời thầu được gửi sát giờ đóng cửa của các ngân hàng nên phiên đấu thầu bị hủy. Phiên đấu thầu thứ hai được tổ chức thành công nhưng chỉ có 2/11 đơn vị trả giá với khối lượng trúng thầu 3.400/16.800 lượng vàng miếng gọi thầu. Trong phiên đấu thầu lần thứ ba diễn ra vào ngày 25.4, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 16.800 lượng vàng miếng nhưng lại tiếp tục bị hủy do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu. Tương tự, phiên đấu thầu thứ tư cũng bị hủy do chỉ có duy nhất một đơn vị tham gia.

Trong bối cảnh hiện nay, đấu thầu vàng miếng được coi là biện pháp cần thiết, là một trong những giải pháp tạo nguồn cung nhanh nhất cho thị trường nhằm hạ giá, giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Việc này cũng đã từng được triển khai từ 11 năm trước với phiên đấu thầu đầu tiên được tổ chức ngày 28.3.2013. Và trong cả năm này, đã có 76 phiên đấu thầu được tổ chức với tổng khối lượng trúng thầu 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu.

Dù được đặt nhiều kỳ vọng và đã từng có tiền lệ nhưng vì sao các phiên đấu thầu vàng lại liên tiếp bị hoãn hoặc nếu có diễn ra thì kết quả cũng không như mong đợi? Theo ý kiến của một số chuyên gia thì nguyên nhân chính là do giá tham chiếu mà Ngân hàng Nhà nước công bố không thấp hơn giá giao dịch trên thị trường. Điều này đã khiến doanh nghiệp phải rất thận trọng vì phải tính toán, bảo đảm lợi nhuận sau khi trúng thầu. 

Ở góc nhìn khác, đại diện một doanh nghiệp phân tích, với giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng trong phiên ngày 22.4 (đã bị hủy), để đặt mua tối thiểu 1.400 lượng vàng, doanh nghiệp cần đặt cọc khoảng 11,5 tỷ đồng và tổng số tiền phải thanh toán là 114,5 tỷ đồng nếu trúng thầu. Đây là khối lượng khá lớn nên doanh nghiệp phải tính toán cụ thể rằng nếu mua giá đó thì bán cho ai, hoặc phải có đầu ra thì mới tham gia đấu thầu. Do đó, để các phiên đấu thầu tiếp theo hiệu quả hơn, Ngân hàng Nhà nước nên đưa ra khối lượng đặt thầu tối thiểu phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Thực tế, việc tăng cung vàng miếng ra thị trường thông qua đấu thầu để kéo giảm giá là giải pháp cần thiết và hữu hiệu trong trước mắt. Tuy nhiên, để các phiên đấu thầu tiếp theo không bị hủy, vấn đề đặt ra là cần điều chỉnh lại mức giá tham chiếu. Bởi như ý kiến của một chuyên gia thì muốn hạ mức giá chênh lệch nhưng lại đưa giá tham chiếu cao thì mâu thuẫn với mục đích. Phải đưa giá tham chiếu thấp hơn giá thị trường mới có thể kéo giá vàng xuống. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước vẫn đấu thầu như một đơn vị kinh doanh thay vì vai trò cơ quan quản lý can thiệp thị trường thì mục tiêu kéo gần với thế giới là rất khó.

Việc có quá ít hoặc không có đơn vị tham gia cho thấy các quy định về đấu thầu vàng còn có những điều kiện chưa hợp lý. Bởi vậy, giải pháp căn cơ và lâu dài là cần sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng với hai điểm mấu chốt là bỏ độc quyền vàng miếng và có thể cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu có điều kiện.

Bởi muốn xóa bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cần áp dụng các biện pháp thương mại, theo thông lệ quốc tế. Đấu thầu vàng để tăng cung ra thị trường là cần thiết nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Ngân hàng Nhà nước thay vì bán vàng để tăng cung sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng và sử dụng công cụ thuế, hải quan điện tử để quản lý. Thị trường vàng phải dần hòa nhập với phương thức hoạt động theo kinh tế thị trường có quản lý Nhà nước.

Ninh Hà
#