Tháo "nút thắt" cho công nghiệp hỗ trợ

- Thứ Bảy, 26/11/2022, 05:30 - Chia sẻ

Năm 2014, khi Samsung đầu tư xây dựng nhà máy tại nước ta đã đưa ra danh sách 170 phụ kiện cung ứng cho mẫu điện thoại Galaxy S4 và tablet của hãng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của nước ta đã không đáp ứng được, dù chỉ là linh kiện đơn giản nhất và chấp nhận thua cuộc ngay trên "sân nhà".

Từ đó đến nay, với sự nỗ lực của doanh nghiệp và những hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Công thương, hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, tương đương 4,5% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, doanh thu sản xuất kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo. 

Nhìn nhận ở góc độ hẹp - tức trong nước, đây là bước tiến đáng kể, thế nhưng ở góc nhìn rộng hơn, như so sánh với số doanh nghiệp đang hoạt động tại các nước thuộc khối ASEAN, số lượng cũng như hiệu quả hoạt động còn rất khiêm tốn. Còn nếu so sánh với khu vực châu Á và thế giới, công nghiệp hỗ trợ nước ta còn thua kém hơn rất nhiều, thể hiện qua việc các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Là tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp thấp, như với ngành điện tử gia dụng, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp chiếm khoảng 30 - 35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô, xe máy đạt khoảng 40%. Ở ngành công nghệ cao như điện tử tin học, viễn thông; điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa lần lượt là 15% và 5%...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là bởi cơ chế chính sách; do khó khăn về vốn, cơ sở hạ tầng, đầu ra sản phẩm… Cụ thể, khi sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, yếu tố cần và đủ là cơ chế, chính sách cụ thể cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là các yếu tố về hạ tầng, nguồn lực tài chính, nguồn vốn kinh doanh để mua sắm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, trên thực tế, dù các cơ chế, chính sách đã và đang được hoàn thiện nhưng vẫn còn nhiều "nút thắt" cần tháo gỡ. Vấn đề nữa là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nước ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Mới đây nhất là Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ với mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết nhấn mạnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; bảo đảm và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển; phát triển chuỗi giá trị trong nước, phát triển và bảo vệ thị trường, nâng cao năng lực của doanh nghiệp...

Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng. Muốn vậy, điều tối quan trọng là Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng minh bạch, hiệu quả.

Ninh Hà