Thách thức của thị trường tín chỉ carbon

- Thứ Năm, 21/03/2024, 07:05 - Chia sẻ

Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông 

Mong muốn Việt Nam sớm có sàn giao dịch tín chỉ carbon nhằm góp phần thiết thực cho phát triển xanh tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài nêu lên trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2024. Thị trường mua bán tín chỉ carbon đang dần nóng lên ở Việt Nam, sau cam kết rằng Việt Nam sẽ tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Sự nỗ lực cao hơn, rốt ráo hơn của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cần thiết để sớm hình thành thị trường này.

Dùng công cụ thị trường, thay cho các biện pháp áp đặt hành chính, nhằm khuyến khích doanh nghiệp phải hoạt động thân thiện với môi trường hơn là triết lý nền tảng từ đó tạo lập nền móng cho thị trường carbon. Tư duy cốt lõi ở đây là: nếu một doanh nghiệp phát thải nhiều hơn thì cần phải gánh chi phí kinh tế cao hơn. Do đó, nếu lượng phát thải được xem như một loại hàng hóa và áp dụng mức trần phát thải thì doanh nghiệp sẽ có động lực để cắt giảm khối lượng khí nhà kính mình tạo ra. Càng phát thải nhiều thì doanh nghiệp càng phải trả chi phí lớn; và ngược lại, nếu phát thải ít đi, doanh nghiệp đó có thể “bán” phần “định mức phát thải dư thừa” của mình để kiếm lời.

Như vậy, thay vì hô hào và kêu gọi, doanh nghiệp - bị chi phối bởi lợi ích kinh tế, sẽ quyết liệt hơn trong việc làm sao để phát thải ít đi. Thậm chí nếu doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, sản xuất xanh, xả thải ít đi thì doanh nghiệp đó còn kiếm được thêm tiền. Nếu một thị trường mua bán “quyền xả thải” có thể hoạt động hiệu quả, bài toán giảm phát thải có thêm một lời giải hữu hiệu.

Thị trường mua bán tín chỉ carbon trên thế giới hiện có 2 loại phổ biến là thị trường giao dịch bắt buộc và thị trường mua bán tự nguyện. Châu Âu là nơi tiên phong trong tạo lập và vận hành thị trường giao dịch tín chỉ carbon nhằm mục tiêu kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính; cũng là nơi đầu tiên xây dựng và thực hiện thị trường mua bán carbon bắt buộc.

Để tạo lập khung khổ pháp lý cho vận hành thị trường này, gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Trong dự thảo Đề án Phát triển thị trường carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Sau cam kết mạnh mẽ tại COP26, việc ban hành Nghị định số 06/2022 kể trên là bước đi đáng ghi nhận của Việt Nam. Tuy nhiên, để vận hành được thị trường này, trong bối cảnh quỹ thời gian thực thi không còn nhiều, các thách thức về kỹ thuật vẫn là rất đáng kể. Từ những công việc ban đầu nhắm vào tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp hiểu thị trường mua bán tín chỉ là gì; đến việc lựa chọn những ngành nào, doanh nghiệp theo tiêu chí nào phải bắt buộc tham gia thị trường. Các công đoạn mang tính kỹ thuật phức tạp hơn có thể kể đến như kiểm đếm phát thải; theo dõi, giám sát, báo cáo tiến trình mua bán. Tất cả những vấn đề này đều còn rất mới mẻ với Việt Nam.

Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quốc hội cũng cần có những động thái giám sát sát sao hơn tiến trình thực hiện các công việc nêu trên. Hình thành thị trường mua bán carbon là chính sách lớn của quốc gia, trực tiếp góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là minh chứng cho trách nhiệm của Việt Nam với toàn thế giới. Các hoạt động giám sát, các cuộc giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cần thiết để thực hiện vai trò này của Quốc hội.

#