Tác động của việc tăng giá điện

- Thứ Hai, 20/02/2023, 06:00 - Chia sẻ

Tác động của việc tăng giá điện có thể kéo dài qua nhiều chu kỳ sản xuất, bởi vậy các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc nhiều bề.

Theo Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 3.2.2023, khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) tối thiểu và tối đa từ 1.826,22 - 2.444,09 đồng/kWh. So với mức giá bình quân cũ theo Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg, khung giá bán lẻ điện mới tăng từ 220 - 538 đồng/kWh.

Như vậy, ở mức tăng tối thiểu, khung giá bán lẻ điện mới tăng khoảng 13,7%; còn ở mức tăng tối đa, khung giá bán lẻ điện mới tăng đến 28,2%. Ước tính với giá bán lẻ bình quân mới, thì mức giá điện sinh hoạt và sản xuất có thể sẽ tăng hơn 3% đến 5%, thậm chí cao hơn.

Báo cáo gần đây cho rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang lỗ nặng do chi phí giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (như than, dầu, khí...) trong nước và thế giới tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao. Khó hiểu ở chỗ, đầu vào của điện là những sản phẩm của doanh nghiệp Nhà nước, những sản phẩm này chỉ là khai thác tài nguyên - sở hữu của nhân dân, với vốn từ ngân sách (cũng là tiền thuế của dân) kêu lỗ và tăng giá bán. Đầu vào và đầu ra đều sử dụng tài nguyên và vốn của dân nhưng dân lại phải trả tiền ngày càng cao khi sử dụng sản phẩm từ đầu tư của chính mình. Về mặt tổng quát, đây là điều phi lý!

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc tăng giá điện quá cao sẽ ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp, nền kinh tế khó chống đỡ. Việc tăng giá đầu vào như điện, xăng cùng với lãi suất vẫn cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của doanh nghiệp và thu nhập của người dân. Khi giá điện tăng lên sẽ ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng vốn đã tương đối yếu kém (tiêu dùng cuối cùng năm 2022 chỉ tăng 7,8% trong khi GDP theo phương pháp sử dụng cuối cùng tăng 9,6% và GDP theo phương pháp sản xuất tăng 8,02%).

Cần nhìn nhận rằng, tăng giá điện ngay tức thì sẽ chưa tạo nên mặt bằng giá mới, vì sản xuất giảm. Tác động của việc giá đầu vào tăng sẽ chưa có hiệu ứng ngay lập tức, mà ảnh hưởng của giá đầu vào tăng sẽ qua nhiều chu kỳ sản xuất mới tạo ra mặt bằng giá mới. Nói cách khác, tăng giá điện trong lúc doanh nghiệp và người dân đang khó khăn là không có lợi và hệ lụy có thể kéo dài qua nhiều chu kỳ sản xuất.

Tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy, chu kỳ sản xuất ngay sau khi giá điện tăng 5% sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,08% và chỉ số giá sản xuất tăng 0,048%. Nếu doanh nghiệp không thể tăng giá và chấp nhận làm giảm giá trị tăng thêm (cắt giảm lao động, giảm lương hoặc giảm lợi nhuận) sẽ khiến GDP ở chu kỳ sản xuất sau giảm 0,16%. Trường hợp này không ảnh hưởng tới giá sản xuất, tuy nhiên vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến CPI (tăng 0,08%). Điều cần lưu ý hơn cả là tiêu dùng phụ thuộc nghịch biến với giá cả và đồng biến với thu nhập, nên khi thu nhập giảm (GDP giảm) sẽ ảnh hưởng xấu đến tiêu dùng, như vậy ở chu kỳ sản xuất tiếp theo sẽ làm giảm sản xuất và tổng giá trị tăng thêm (hoặc GDP).

Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí xăng dầu tăng, lãi suất ngân hàng tăng trong khi sức mua trên thị trường giảm sút vì thu nhập giảm, khiến người dân phải thắt lưng buộc bụng. Khó khăn này từ năm ngoái, khả năng tiếp tục duy trì trong năm nay. Hơn nữa, sức mua trên thị trường hiện vẫn hết sức ảm đạm. Như vậy, khi quyết định tăng giá đầu vào là sản phẩm của doanh nghiệp nhà nước, các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn

Sâu xa hơn, vấn đề không phải ở các mức điều chỉnh tăng báo nhiêu mà quan trọng là xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn độc quyền ở khâu bán lẻ điện, người dân sẽ được mua điện của nhiều nhà cung cấp với giá đàm phán. Nhà bán lẻ điện cũng sẽ phải tự cân đối, cạnh tranh về giá, chất lượng phục vụ có lợi nhất để thu hút khách hàng.

TS. Bùi Trinh