Sớm đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống

- Thứ Bảy, 02/03/2024, 07:13 - Chia sẻ

Theo chương trình dự kiến, trong tuần tới sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV.

Còn nhớ, vào đầu tháng 9 năm ngoái (2023), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV. Tại hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị về công tác triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội là một điểm mới trong hoạt động của Quốc hội Khóa XV nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng và thực thi pháp luật. Nghị quyết của Trung ương đã nhấn mạnh yêu cầu “đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật”, “đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”.

Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV đã được cử tri, nhân dân và các đại biểu đánh giá cao, thể hiện tinh thần không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác lập pháp gắn với công tác giám sát thực thi pháp luật.

Và đây là lần thứ Hai, Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội tiếp tục được tổ chức nhằm sớm đưa luật vào cuộc sống.

Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội đã thông qua 2 nghị quyết quy phạm pháp luật và 7 luật bao gồm: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi). Quốc hội đã tiếp tục cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi tối đa trong tổ chức đầu tư 21 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm đường bộ kết nối vùng và liên tỉnh. Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tính cấp thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để giữ chân và tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài…

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là một đạo luật rất quan trọng đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.

Cùng với Luật Đất Đai (sửa đổi), tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội cũng thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ngoài ra, Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn và nhất trí cao thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Quốc hội cho phép phân bổ, sử dụng gần 64.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ, dự án thuộc 5 lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ và giao thông vận tải, trong đó dành gần 58.000 tỷ đồng cho 32 dự án giao thông trọng điểm…

Với việc nhanh chóng tổ chức Hội nghị để triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua cho thấy, Quốc hội không chỉ quan tâm đến công tác lập pháp mà còn đặc biệt quan tâm đến công tác thực thi pháp luật.

Có thể thấy, khối lượng luật, nghị quyết mà Quốc hội thông qua rất lớn, đều là vấn đề quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc kế dân sinh. Các văn bản luật, nghị quyết được thông qua nhận được sự đồng tình ủng hộ và đánh giá cao của cử tri, nhân dân. Do đó, Chính phủ, các cơ quan hữu quan trong phạm vi quyền hạn của mình triệt để tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng các văn bản quy định chi tiết để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết.

Với tinh thần chủ động “từ sớm từ xa”, đồng hành rất trách nhiệm, hiệu quả và giám sát chặt chẽ của Quốc hội, với quyết tâm của Chính phủ, trên cơ sở thành công của Hội nghị lần thứ Nhất, tin rằng những vấn đề vướng mắc trong triển khai thi hành luật, nghị quyết sẽ được thảo luận thấu đáo và có phương án giải quyết ở Hội nghị lần thứ Hai này. Qua đó, sẽ giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Lê Hùng
#