Nhiệm vụ trọng tâm, ý nghĩa chiến lược

- Chủ Nhật, 24/03/2024, 07:14 - Chia sẻ

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm đạt 8,7% tổng kế hoạch. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 9,13%, tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Luỹ kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31.1 là 31.524,5 tỷ đồng, tổng kế hoạch là 689.775,9 tỷ đồng, đạt 4,57% kế hoạch. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 29.2 là hơn 59.998 tỷ đồng, đạt 8,7% tổng kế hoạch và đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Có 4/44 bộ, cơ quan Trung ương và 38/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. 32 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%; 6 địa phương tỷ lệ giải ngân thấp, dưới 5%.

Về phân bổ vốn, tính đến ngày 29.2, các bộ, cơ quan và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết 631,9 nghìn tỷ đồng đầu tư công, đạt 94,9% kế hoạch Thủ tướng giao. Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 33.500 tỷ đồng; uớc thanh toán đến ngày 29.2 là 60.000 tỷ đồng, đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng giao. Có 29 bộ, cơ quan Trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch năm 2024.

Như vậy có thể thấy, việc phân bổ cũng như giải ngân vốn đầu tư công năm nay đã có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được mục tiêu giải ngân trên 95% vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhằm tránh tình trạng như đã từng diễn ra nhiều năm qua đó là “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”.

Bởi như năm 2023, chỉ riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải ban hành tới 7 công điện, 13 văn bản đôn đốc các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân…

Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã sát sao, xác định rõ các vướng mắc, khó khăn trong từng ngành, từng lĩnh vực, trong từng khâu của các dự án, thành lập các tổ công tác để kịp thời có giải pháp tháo gỡ. 

Nhờ các động thái quyết liệt này, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023 đã được cải thiện rõ rệt qua từng tháng. Và tính chung cả năm, tỷ lệ giải ngân ước đạt khoảng 95%, cao hơn năm 2022 khoảng 3,58%.

Theo dự báo, năm nay, vốn đầu tư công tiếp tục duy trì ở mức 25 - 26% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tương đương 9 - 10% GDP - tiếp tục là động lực quan trọng tạo ra động lực tăng tốc cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế. Do đó, việc giải ngân được xác định tiếp tục là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp.

Đó là tiếp tục triển khai hoạt động của 5 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, quyết định đầu tư, lựa chọn nhà thầu để sớm khởi công các dự án mới.

Kiên quyết không đầu tư dàn trải, loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, điều chuyển vốn các dự án không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân, không để lãng phí, kém hiệu quả. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn.

Đầu tư công là “vốn mồi” kích thích nhiều nguồn vốn khác. Bởi vậy, việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cho nên vấn đề là phải xác định, nhận diện được những điểm nghẽn, những nút thắt để có biện pháp tháo gỡ nhằm triển khai hiệu quả, không để tiếp diễn tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”. 

Ninh Hà
#