Lời cảnh tỉnh về an toàn lao động

- Thứ Sáu, 03/05/2024, 06:15 - Chia sẻ

Hai vụ tai nạn lao động thương tâm liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn là lời cảnh tỉnh đắt giá với những người đứng đầu doanh nghiệp. Nói vậy là bởi, chỉ khi lãnh đạo doanh nghiệp thực sự quan tâm và ưu tiên cho vấn đề an toàn lao động thì mới có thể hạn chế tối đa những tình huống rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại đơn vị mình.

Trong Ngày Quốc tế lao động 1.5, cũng là ngày đầu tiên của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (tháng 5 hàng năm), vụ nổ lò hơi tại một công ty gỗ ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai khiến 6 công nhân tử vong, 7 người bị thương. Trước đó, hôm 22.4, tại một nhà máy xi măng ở tỉnh Yên Bái, 7 người chết và 3 người bị thương vì đang bảo dưỡng máy nghiền xi măng thì máy bất chợt hoạt động.

Ngay sau các vụ tai nạn này, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Yên Bái và Đồng Nai chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả và điều tra, làm rõ nguyên nhân tai nạn cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (nếu có); đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định về an toàn lao động. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp rà soát kỹ quy định, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất, kịp thời khắc phục những hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động.

Đó là những việc cần làm ở phía chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước để tránh xảy ra trường hợp tương tự. Vậy nhưng, an toàn lao động trên hết và trước hết phải từ mối quan tâm và ưu tiên của lãnh đạo doanh nghiệp đối với vấn đề này. Nếu thực sự coi trọng an toàn lao động, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ đầu tư xứng đáng để bảo đảm không xảy ra sự cố đáng tiếc. Sự đầu tư ở đây không chỉ là nguồn lực tài chính mà còn là cắt cử nhân sự quan trọng trong doanh nghiệp phụ trách an toàn lao động; là chủ động ngăn ngừa và liên tục cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh để tránh các rủi ro có thể xảy ra; là kiểm soát nghiêm việc tuân thủ an toàn lao động; là chú trọng đến an toàn lao động cho cả những nhân viên thời vụ, nhà thầu hay các đối tác làm ăn…

Thực tế hiện nay, không ít doanh nghiệp tuân thủ an toàn lao động theo kiểu bị động và đối phó. Nghĩa là doanh nghiệp chỉ tập trung tuân thủ các quy định, yêu cầu, tiêu chuẩn về môi trường làm việc, công cụ lao động, an toàn thực phẩm, xử lý chất thải… nhằm đáp ứng các điều kiện cần thiết để được hoạt động. Cũng bởi vậy, tình hình tai nạn lao động vẫn ở mức cao và đáng lo ngại.

Theo số liệu của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong năm 2023, cả nước đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động, làm 7.553 người bị nạn và 699 người chết. Tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỷ đồng và hơn 149.770 ngày công. Đáng chú ý, tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng, về số vụ, số người bị nạn.

An toàn trong sản xuất, kinh doanh là quyền cơ bản của người lao động. Để hạn chế thương vong cho người lao động trong khi làm việc, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và doanh nghiệp đều phải làm tốt từng khâu, từng việc thuộc trách nhiệm của mình. Đặc biệt, lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, thực sự quan tâm đến an toàn lao động, cụ thể hóa mối quan tâm đó bằng việc đầu tư nguồn lực để phòng tránh mọi rủi ro. Điều này không chỉ nhằm bảo đảm quyền của người lao động mà còn góp phần hình thành văn hóa doanh nghiệp và tạo ra lợi thế cạnh tranh quan trọng - nhất là trong bối cảnh thực hành ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là xu hướng phát triển tất yếu của mọi doanh nghiệp.

Cẩm Phô
#