Kỳ họp thứ Sáu và mong đợi của cử tri

- Thứ Hai, 23/10/2023, 06:35 - Chia sẻ

Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV khai mạc sáng nay với nghị trình dày đặc những nội dung quan trọng trong suốt 22 ngày làm việc.

Như thường lệ, tại kỳ họp cuối năm, trọng tâm của nghị trình sẽ là các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đặc biệt là các vấn đề về ngân sách.  Không quá khi nói rằng mây đen đang kéo đến trên “cánh đồng tăng trưởng”.  GDP 9 tháng năm nay chỉ tăng 4,24% - tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng cho quý cuối năm nay. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021 - 2030 trở nên hết sức khó khăn. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu, cho thấy “nút thắt” chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được tháo gỡ. Giải pháp nào thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng trong ngắn hạn và củng cố năng lực nội sinh của nền kinh tế trong dài hạn sẽ là câu hỏi quan trọng trên bàn nghị sự của Quốc hội trong kỳ họp này.

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết. Trong đó đáng chú ý nhất là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ngoài ra, các luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế quan trọng là bất động sản gồm dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng được xem xét thông qua. Đây là 3 dự luật được quan tâm rất lớn, được đầu tư nhiều nguồn lực và trí tuệ để xây dựng. Chất lượng các giải pháp chính sách, cũng như chất lượng quy phạm trong 3 dự luật này đến đâu cũng là “bài kiểm thử” cho Quốc hội Khóa XV.

Một điểm nhấn được quan tâm trong kỳ họp này là Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là công việc quan trọng nhất thực hiện thẩm quyền giám sát của cá nhân mỗi đại biểu Quốc hội. Đây là dịp kiểm chứng uy tín chính trị với các lãnh đạo của bộ máy nhà nước, nhưng cũng là “thước đo” với từng đại biểu. Cử tri nhìn vào cách đại biểu đánh giá - để từ đó có nhận xét cho riêng mình về từng cá nhân đại diện cho Nhân dân. Chính vì vậy, từng đại biểu cần nghiêm túc và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện đánh giá của mình. Các đại biểu không thể chỉ đánh giá theo cảm nhận chủ quan của mình mà phải gắn bó với cử tri, phải tham vấn cử tri.

Cuối cùng, một hoạt động đặc biệt có ý nghĩa là việc Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Sự thành công của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia này là quan trọng, bởi Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên cho sự phát triển cân bằng của tất cả các nhóm dân cư trên địa bàn toàn quốc. Vì thế, giám sát của Quốc hội vào thời điểm giữa kỳ với 3 chương trình này có ý nghĩa vô cùng lớn: giúp nhìn lại chặng đường đã qua một cách toàn diện, từ đó làm rõ các vướng mắc, hạn chế và trách nhiệm của từng bộ, ngành; đồng thời tìm giải pháp tạo chuyển biến căn bản hơn trong việc thực hiện 3 chương trình sau giám sát.

Với một nghị trình dày và nhiều vấn đề quan trọng như vậy, cử tri cả nước đang hướng về Ba Đình với kỳ vọng rất lớn. Trách nhiệm của mỗi đại biểu, của lãnh đạo Quốc hội vì vậy cũng là rất nặng nề để bảo đảm có một kỳ họp thành công và đáp ứng được mong đợi của cử tri.

Hà Lan