Khi giá vàng "nhảy múa"

- Thứ Sáu, 12/04/2024, 07:09 - Chia sẻ

Sự "nhảy múa" kỳ lạ của giá vàng thời gian qua không chỉ khiến giới nghiên cứu “đau đầu” mà còn khiến cả những người không có vàng bán ra hoặc không có tiền mua vào cũng phải quan tâm!  

Đáng chú ý, mức tăng của giá vàng trong nước thường cao hơn nhiều so với mức tăng của giá vàng thế giới, cho thấy tính liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới đang “có vấn đề”. Cuối ngày 10.4, quy đổi theo tỷ giá niêm yết ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 71,15 triệu đồng/lượng; trong khi đó, giá vàng nhẫn 9999 trong nước lên mức 78,6 triệu đồng/lượng, còn giá vàng miếng SJC bán ra với giá 84,4 triệu đồng/lượng, mua vào 82,4 triệu đồng/lượng.

Thực ra, thị trường vàng trong nước gần như cắt đứt liên thông với giá vàng quốc tế từ lâu, nhưng mức chênh lệch lớn như hiện nay buộc các nhà quản lý phải xem xét lại. Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vừa ban hành, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Đồng thời, khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

Sau hơn 10 năm có hiệu lực, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã đạt được những mục tiêu quan trọng. Đó là ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, ngăn chặn việc người dân tự quy ước vàng như một loại tiền tệ và hoạt động kinh doanh vàng được kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn. Mặt khác, thị trường vàng cũng nảy sinh vấn đề mới, đó là chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới ở mức rất cao, chủ yếu nằm ở vàng miếng SJC - do cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng.

Vàng không được xem là một thước đo hoặc một loại hàng hóa chủ lực trong chính sách điều tiết hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu và điều hành chính sách vĩ mô của Nhà nước. Tuy nhiên, thị trường ngoại hối và thị trường vàng trong nước thường có những ảnh hưởng nhất định lẫn nhau. Tỷ giá tăng có thể góp phần kéo theo giá vàng trong nước đi lên, trong khi giá vàng trong nước tăng mạnh và mở rộng chênh lệch so với giá thế giới quy đổi sẽ kích thích nhu cầu ngoại tệ để nhập lậu vàng.

Tuy nhiên, cũng có luồng quan điểm cho rằng, các giao dịch vàng chủ yếu phục vụ nhu cầu tích trữ, nói cách khác là nhu cầu của những người có tiền muốn đầu tư tích lũy. Do đây không phải là nhu cầu thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh nên đáp ứng nhu cầu vàng không nên và không phải là ưu tiên hàng đầu. Giá vàng lên xuống và chênh lệch nhiều với giá thế giới không gây ảnh hưởng lớn mà chỉ tác động tới quyền lợi của những người có tiền muốn mua bán, tích trữ. Như vậy, xét về ảnh hưởng vĩ mô, việc sửa Nghị định số 24/2012/NĐ-CP không quá cấp thiết.

Giữa hai luồng quan điểm đó, quá trình nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP theo yêu cầu của Chính phủ cần thực hiện một cách hết sức khoa học, thận trọng để cùng lúc giải quyết được hai vấn đề: bảo đảm sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới, đồng thời chống lại tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Trong tiến trình này, một phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế, nếu có, sẽ rất hữu ích trong việc giúp Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện khung pháp lý để xây dựng và quản lý thị trường vàng hiệu quả, theo kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Hà Lan
#