Gỡ “điểm nghẽn” trong giải quyết án hành chính

- Thứ Ba, 21/03/2023, 06:39 - Chia sẻ

 Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng qua, 20.3, phần trả lời chất vấn của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình về án hành chính được đánh giá là khá trực diện và thẳng thắn. Người đứng đầu ngành tòa án không né tránh một thực tế vốn dĩ đã, đang tồn tại lâu nay về “điểm nghẽn” trong giải quyết các vụ án hành chính.

Nhìn lại quá trình xét xử các vụ án hành chính thời gian qua, có thể thấy, dù tòa án các cấp đã nỗ lực rất nhiều. Trong 5 năm qua (từ 2018 - 2022), các tòa án đã thụ lý 38.783 vụ; đã giải quyết, xét xử được 35.561 vụ. Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, trong năm 2022, các tòa án đã thụ lý 11.746 vụ; đã giải quyết, xét xử được 8.524 vụ, đạt tỷ lệ 72,6%; vượt 12,6% so với chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội.

Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận này thì tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này liệu có phải là do một bộ phận thẩm phán tòa án cấp sơ thẩm có tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm trong giải quyết không? Đây là chất vấn khá sắc, khá thẳng thắn mà đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đặt ra đối với người đứng đầu ngành tòa án.  

Đây không phải là lần đầu tiên những băn khoăn trăn trở về án hành chính được đặt ra. Trong nhiều kỳ họp của Quốc hội, và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “điểm nghẽn” về án hành chính cũng đã được đặt ra.

Là người có nhiều năm làm trong ngành tư pháp, cũng là người có nhiều kinh nghiệm khi tham gia “chia lửa” cùng các bộ trưởng, trưởng ngành ở những lần chất vấn khác ở Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình rất thẳng thắn khi nhận định về tồn tại của ngành mình quản lý. Theo đó, người đứng đầu ngành tòa án cũng thừa nhận: “Án hành chính hiện nay đang có vấn đề, có rất nhiều tồn tại xung quanh án hành chính”, tỷ lệ thường thấp hơn so với yêu cầu của Quốc hội giao. Riêng năm 2022 với nỗ lực của ngành tòa án, tỷ lệ xét xử án hành chính đã đạt so với yêu cầu của Quốc hội, tuy “có tăng” nhưng theo ông Bình nhìn nhận thì tỷ lệ này là “không nhiều”. Trong khi đó, tình trạng án hủy, sửa của án hành chính thì luôn cao hơn các loại án khác.

Án hành chính “có vấn đề” không chỉ là ở tỷ lệ án sửa, hủy cao mà đáng nói là, sau khi xét xử, bản án, quyết định hành chính không được thực thi, có bản án rồi nhưng Ủy ban Nhân dân các cấp không thi hành nghiêm túc, gây bức xúc cho người dân.

Đánh giá một cách khách quan, công bằng, công tác xét xử thời gian qua của các cấp tòa án rất nghiêm minh. Nhiều vụ án lớn đã được đưa ra xét xử đã được cử tri, nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn đó sự nể nang của thẩm phán trong xét xử các vụ án hành chính. Bên cạnh đó, dù không nhiều nhưng sự “nể nang” ở đây là điều rất đáng được lưu tâm. Còn nhớ, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp Khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga từng đặt câu hỏi: Vì sao trong nhiều năm nay, từ khi có án hành chính, chúng ta có một đánh giá “thường trực” là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên ngại va chạm, nể nang trong xét xử, kiểm sát và thi hành loại án này? Vậy bản chất của ngại va chạm, nể nang ở đây là gì? Có phải do sự lệ thuộc của các chức danh tư pháp đối với UBND và Chủ tịch UBND hay không?

Theo quy định pháp luật, trong quá trình xét xử, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Điều này có nghĩa là, thẩm phán sẽ không phải chịu sự tác động của bất kỳ đối tượng hay yếu tố nào. Tuy nhiên, trong xét xử vụ án hành chính, thì dường như quy định này có lúc, có nơi vẫn xảy ra tình trạng thẩm phán nể nang. Bởi ai cũng biết, “án hành chính là án khó”. Khó bởi một bên là người dân, một bên là chính quyền. Do đó trong quá trình giải quyết các vụ án này, hiện tượng “thẩm phán ngại va chạm là có”.

Quá trình bổ nhiệm thẩm phán rất chặt chẽ, phải đi học, thi đỗ có chứng chỉ và kèm với đó là có thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, xây dựng hồ sơ xin ý kiến cấp ủy cùng cấp. Việc bắt buộc phải có ý kiến của cấp ủy cùng cấp khi bổ nhiệm lại sẽ vô hình trung tạo áp lực, rào cản tâm lý đối với thẩm phán trong quá trình xét xử án hành chính, nên chăng, văn bản ý kiến của cấp ủy chỉ nên thể hiện khi lập hồ sơ bổ nhiệm lần đầu. Đây cũng là điều cần được xem xét, tháo gỡ trong thời gian tới.

Hà An