Giải quyết tận gốc vấn đề

- Thứ Ba, 07/03/2023, 06:22 - Chia sẻ

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Thông tri 18 về tăng cường xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ TP. Hồ Chí Minh, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế lại được Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nêu ra.

Cụ thể, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, thành phố không thể chấp nhận tình trạng thuốc có, tiền người dân có mà phải ngồi chờ vì cơ chế. Cái nào thuộc tầm vĩ mô thì cấp trên lo, thành phố cố gắng, khó khăn gì vượt tầm phải báo cáo ngay. Chúng ta có nhiều cách, nếu cấp mình không thể quyết được thì xin cấp trên lo. Thậm chí có những quyết định chính trị bằng trách nhiệm lương tâm của mình...

Thực tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế diễn ra không chỉ tại các bệnh viện, cơ sở y tế ở TP. Hồ Chí Minh mà còn tại một số tỉnh, thành phố khác. Nguyên nhân, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận là do sau dịch bệnh, nguồn cung về hàng hóa, trang thiết bị, thuốc có những dấu hiệu khan hiếm. Nhiều loại giá cả biến động cao, nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân tăng.

Bên cạnh đó, một số hoạt động cung ứng trước đây đã ký nhưng nhiều hợp đồng liên quan đến hóa chất, vật tư y tế chỉ có thời hạn một năm; tình trạng gia hạn, cấp giấy phép thuốc, vật tư, trang thiết bị đang bị quá tải. Nhiều gói thầu không tìm được nhà thầu để mua sắm, có những gói thầu phải đấu thầu đến 2 - 3 lần. Nhân lực để thực hiện công tác đấu thầu cũng không đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, có tâm lý e ngại trong việc mua sắm một số loại hàng hóa, nhất là trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế... - Thứ trưởng Lê Đức Luận nhấn mạnh.

Để giải quyết tình trạng này, thời gian qua, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ có giải pháp tháo gỡ. Ví dụ như tham mưu cho Chính phủ để báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80 cho phép tiếp tục sử dụng các giấy đăng ký lưu hành thuốc đã hết hạn. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8.11.2021 về quản lý trang thiết bị y tế nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập phát sinh trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý và yêu cầu hội nhập. Mới đây nhất là Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4.3.2023 sửa đổi Khoản 4, Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5.11.2022 đã được ban hành nhằm giải quyết các vướng mắc liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc, thanh toán bảo hiểm y tế, trong đó có vấn đề giá.

Thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng mà còn ảnh hưởng đến sự công bằng trong khám bệnh, chữa bệnh. Bởi vậy, tại buổi làm việc với Bộ Y tế, một số bệnh viện lớn và Sở Y tế các địa phương để tháo gỡ những vấn đề nóng nhất, vướng nhất của ngành hiện nay diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đề nghị ngành làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, thuốc, trang thiết bị vật tư, y tế… để xác định vấn đề cần giải quyết cấp bách hoặc xử lý căn cơ, bài bản.

Có thể thấy, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế gồm cả khách quan và chủ quan. Cho nên để giải quyết tận gốc vấn đề, ngoài những quyết định chính trị bằng trách nhiệm lương tâm của mình - như ý kiến của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật - phần nào dẫn đến tâm lý sợ sai, không dám làm phải được giải quyết.

Ninh Hà