Được và mất khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt

- Chủ Nhật, 12/03/2023, 06:22 - Chia sẻ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiều nội dung mới; trong đó có đề xuất đưa đồ uống có đường (nước ngọt), thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn... vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thực tế, đ xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt đã nhiều lần được "nâng lên đặt xuống" nhưng vì nhiều lý do nên chưa được thông qua.

Lần này, lý giải việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt, dự thảo Tờ trình dẫn chứng lượng tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam tăng mạnh. Bên cạnh đó, theo kết quả điều tra dinh dưỡng giai đoạn 2000 - 2010 và 2010 - 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em nước ta tăng lên nhanh chóng ở tất cả lứa tuổi và khu vực, thành thị cũng như nông thôn. Chính vì vậy, cần áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này.

Dẫn chứng của Bộ Tài chính sẽ thuyết phục hơn nếu có số liệu cụ thể về cỡ mẫu của cuộc điều tra, thông tin về độ lệch chuẩn và tính đại diện theo vùng, bởi lẽ tỷ lệ trẻ em béo phì ở thành phố luôn cao hơn ở nông thôn. Còn ở góc độ kinh tế, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nhóm sản phẩm nước giải khát có đường không chỉ ảnh hưởng đến kết quả sản xuất của ngành này mà còn tác động đến tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản của nền kinh tế (Gross Value Added - GVA), đến GDP, đến thu ngân sách, bất kể hành vi ứng phó của doanh nghiệp là gì.

Cụ thể, áp dụng quan hệ liên ngành trong bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cập nhật cho năm 2016 cho thấy, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 10% sẽ khiến giá trị tăng thêm và giá trị sản xuất theo giá cơ bản của nhóm sản phẩm nước giải khát có đường giảm lần lượt 0,6 và 0,13%. Nếu nhóm ngành này muốn có được giá trị gia tăng như trước khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thì phải tăng đầu tư 2,5% - 2,7%.

Kết quả tính toán cũng cho thấy, khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ 0% lên 10% thì giá của nhóm sản phẩm nước giải khát có đường tăng 0,2% và tiêu dùng của nhóm sản phẩm này giảm 0,19%. Theo cấu trúc của bảng cân đối liên ngành, cầu tiêu dùng chiếm khoảng 49% tổng giá trị sản xuất của nhóm sản phẩm nước giải khát có đường. Như vậy, giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của các ngành không chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đều giảm ở chu kỳ sản xuất tiếp theo. Từ đó, kéo theo tổng giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế giảm 0,014%, GDP giảm 0,012% và ở chu kỳ sản xuất sau thu ngân sách từ thuế gián thu có thể giảm từ 0,007 - 0,009%.

Có thể thấy, dù doanh nghiệp tăng giá hay giảm lợi nhuận khi thuế tăng cũng khiến nền kinh tế suy trầm ở những chu kỳ sản xuất sau và kỳ vọng tăng thu ngân sách không được như ý. Nói cách khác, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nhóm ngành nước giải khát có đường sẽ không mang lại tác động tích cực cho nền kinh tế. Dù thu ngân sách nhà nước có thể tăng được chút ít lúc đầu nhưng có thể giảm ở các chu kỳ tiếp theo. Hơn nữa, việc áp thuế này có thể không ảnh hưởng nhiều đến các gia đình ở thành thị, nhưng chắc chắn sẽ có tác động nhiều tới các gia đình ở khu vực nông thôn, do mức chênh lệch chi tiêu giữa thành thị và nông thôn tại Việt Nam còn lớn.

Những phân tích trên đây là điều các nhà hoạch định chính sách nên tính tới khi xem xét áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nhóm ngành nước giải khát có đường. Bên cạnh đó, sự cân nhắc kỹ lưỡng trong việc đề xuất chính sách thuế mới trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết khi các doanh nghiệp đang gồng mình với hàng loạt khó khăn như lãi suất, giá đầu vào đều tăng cao.

TS. Bùi Trinh