Doanh nghiệp và "văn hóa công"

- Thứ Bảy, 09/03/2024, 07:15 - Chia sẻ

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Thời bao cấp không quan tâm, không biết khái niệm văn hóa doanh nghiệp. Mãi sau khi đất nước đổi mới khoảng chục năm, chương trình đào tạo quản trị kinh doanh mới cập nhật. Do mới mẻ, nội dung văn hóa doanh nghiệp được hoàn thiện, bổ sung từng bước. 

Giai đoạn hội nhập mạnh mẽ, mọi lĩnh vực, mọi mặt, mọi nơi phải chuyển mình theo dòng chảy, xu thế mới nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Khái niệm, nội dung văn hóa doanh nghiệp cũng được cập nhật kịp thời, diễn đạt rất cô đọng, dễ hiểu, dễ nắm bắt và hơn hết rất thiết thực.

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương trong một bài trả lời phỏng vấn chia ra hai loại văn hóa: “văn hóa công” và “văn hóa riêng”. Văn hóa công là nếp sống chung mà mọi người trong một tổ chức hay một hoạt động nào đó phải tuân thủ. Còn văn hóa riêng phụ thuộc vào đặc thù tính cách của một dân tộc, một địa phương thì chỉ liên quan đến những nhóm người đặc thù đó. Điều không thể khác hơn trong nhận định từ trước đến nay là: Nếu coi doanh nghiệp như cái cây thì văn hóa là cái gốc, quản trị là thân, chiến lược là nhánh. Văn hóa doanh nghiệp là điều kiện đủ, là yếu tố then chốt quyết định thành bại của doanh nghiệp. Bởi nếu không có cái gốc văn hóa tốt thì dù có quản trị tốt, có chiến lược tốt thì cái cây cũng èo uột và bật gốc hồi nào không hay.

Nội dung văn hóa doanh nghiệp mà ông Trần Sĩ Chương nêu ra cũng gói gọn hết sức súc tích và cô đọng: Thời đại hội nhập, làm ăn với nhau phải tuân thủ văn hóa công. Nền tảng văn hóa công chỉ cần thực thi hai chuyện là tuân thủ pháp luật và làm những gì đã hứa. Tuân thủ pháp luật là điều cơ bản nhất. Qua đó đối tác của doanh nghiệp mới an tâm và giảm thiểu rủi ro. Tuân thủ pháp luật - ở đây không chỉ hệ thống pháp luật của bên doanh nghiệp bị điều chỉnh mà còn tuân thủ pháp luật phía đối tác nếu là quan hệ kinh doanh quốc tế.

Một nội dung hết sức thấu đáo, vị chuyên gia này đã nêu lên khái niệm “vốn xã hội”. Theo đó, vốn xã hội là lòng tin (mức độ lòng tin) giữa người và người, giữa người và hệ thống. Vốn xã hội là yếu tố nội lực quyết định sự thành công trong phát triển đất nước. Vốn xã hội được cấu thành bởi giá trị văn hóa truyền thống và hệ thống pháp trị công minh.

Ông cũng đưa ra một minh chứng sống động, đó là Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu bắt đầu xây dựng văn hóa quốc gia và quản lý đất nước chỉ bằng một câu: “Các doanh nhân là xương sống quốc gia. Đất nước chỉ cần anh, chị một chuyện, đó là nói và làm”. Quan chức cũng vậy. Dần dần tạo ra nếp sống, tạo ra lòng tin và sau cùng tạo ra vốn xã hội lớn. Ông Lý Quang Diệu đã quyết định tư duy người Singapore, nên đa số doanh nhân Singapore đi đâu cũng được tin, nói được làm được, đã đóng góp vô cùng to lớn vào sự phát triển quốc gia này.

Văn hóa quốc gia do lãnh đạo quốc gia cầm trịch, văn hóa doanh nghiệp hiển nhiên do chủ doanh nghiệp quyết định. Tuy nhiên, cái khó cho doanh nhân ta là vốn xã hội của ta còn quá thấp; thể hiện ở lòng tin đối tác, lòng tin nội bộ chưa cao và môi trường kinh doanh của ta còn quá nhiều rủi ro khiến cho vốn xã hội hình thành càng chậm chạp.

Tóm lại, hai nội dung lớn đáng lưu tâm nhất để hình thành văn hóa doanh nghiệp là tuân thủ pháp luật và giữ vững uy tín trong hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vốn xã hội của ta còn thấp, ảnh hưởng quá lớn tới tiến trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Như vậy vấn đề xây dựng nội lực (vốn xã hội) trở nên hết sức cấp thiết. Việc hình thành những chuẩn mực trong xã hội trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết, Nhà nước phải nhanh tay hơn thể hiện vai trò trọng trách của mình; chậm chân thì thua thiệt!

#