Cử tri mong chờ sớm sửa thuế thu nhập cá nhân

- Thứ Ba, 19/03/2024, 06:55 - Chia sẻ

Thuế thu nhập cá nhân một lần nữa “nóng” tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn sau Covid-19, cùng với lạm phát gia tăng và chi phí sinh hoạt tăng cao, rõ ràng chậm trễ điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền, đến đời sống người lao động. Vậy nhưng, nguyện vọng của cử tri có lẽ vẫn chưa thể sớm được đáp ứng.

Đặt câu hỏi cho người đứng đầu ngành tài chính, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) nêu rõ nguyện vọng thuế thu nhập sớm được sửa đổi. Cụ thể, đại biểu dẫn ý kiến cử tri cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng cho cá nhân người nộp thuế và 4 triệu đồng cho 1 người phụ thuộc áp dụng từ ngày 1.7.2020 đến nay không còn phù hợp trong bối cảnh chỉ số lạm phát tăng hằng năm và kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Cử tri mong muốn Bộ Tài chính sớm đề xuất Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh ngưỡng chịu thuế.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết theo kế hoạch thì năm 2025 mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Câu trả lời có lẽ chưa đáp ứng được mong mỏi của cử tri, khiến đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) phải tiếp tục có ý kiến. Đại biểu này đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đối với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh trong vấn đề tính thuế thu nhập cá nhân, từ đó mới có thể tăng tiêu dùng, hỗ trợ cho kinh tế tăng trưởng trong thời gian tới.

Đề xuất của các đại biểu phản ánh nguyện vọng rất hợp lý của cử tri! Hơn lúc nào hết, Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính, cần xem xét tính hợp lý của mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân và người phụ thuộc; đồng thời phải “tính đúng, tính đủ” các khoản chi được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế khi mà giá cả hàng hóa và nhiều chi phí của đời sống đã tăng mạnh. Mức giảm trừ gia cảnh cho người đóng thuế thu nhập cá nhân hiện là 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thực sự là định mức lỗi thời và lạc hậu.

Trong 3 năm, kể từ sau 2020 đến nay, trên thực tế, người dân đang phải chi trả một mức giá mới khá cao cho hầu hết mặt hàng, dịch vụ, từ mớ rau, bát phở… Riêng năm 2023 lạm phát ở mức 4%, trong đó hàng hóa cơ bản còn tăng cao hơn mức bình quân. Tiền điện, nước, chi phí khám, chữa bệnh… đều đã điều chỉnh tăng, khiến đời sống người dân bị trực tiếp ảnh hưởng.

Một bất cập lớn nữa là các khoản chi được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế hiện nay quá ít, chưa được tính đúng, tính đủ. Người lao động chỉ có bốn khoản giảm trừ là: giảm trừ gia cảnh; các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo; đóng bảo hiểm bắt buộc; và đóng góp quỹ hưu trí. Những chi phí khác như học phí, tiền thuê nhà, chi phí y tế… đều không được giảm trừ, dù đây là những chi phí thiết yếu và mức chi không nhỏ. Chính điều này tạo gánh nặng rất lớn cho người lao động. Không những thế, người lao động còn phải chịu bất bình đẳng, bởi theo quy định hiện hành, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được khấu trừ tiền học phí cho con, tiền mua vé máy bay về phép…

Do đó, Bộ Tài chính cần nhanh chóng vào cuộc, đề xuất Chính phủ sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng “khoan thư sức dân” - tức là nuôi dưỡng nguồn thu, giảm khó khăn cho người lao động.

Mặt khác, thuế cũng là một công cụ chính sách để phân phối lại của cải trong xã hội hướng đến mục tiêu giảm bất bình đẳng xã hội. Theo đó, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh để người dân bớt gánh nặng tài chính; mở rộng các khoản chi tiêu được giảm trừ khi tính thu nhập chịu thuế như chi tiêu y tế, giáo dục, bảo hiểm tự nguyện… cho cả người đóng thuế và người phụ thuộc.

Làm được như vậy, người lao động sẽ có động lực lao động và đóng thuế tốt hơn; đồng thời vẫn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Và khi chất lượng cuộc sống của người dân tốt hơn, sự thịnh vượng của đất nước và mức độ hài hòa xã hội sẽ được nâng cao.

Hà Lan
#