Chứng chỉ nghề quốc gia thế nào là hợp lý?

- Thứ Tư, 22/03/2023, 06:07 - Chia sẻ

Hàng chục triệu lao động, trong đó có gần 1 triệu lao động ngành thủy sản, có thể phải đi học và thi để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia mới có thể tiếp tục đi làm, gây lãng phí cả tiền bạc và thời gian của người lao động và doanh nghiệp. Đây là mối lo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khi nhận được dự thảo đề cương chi tiết Luật Việc làm (sửa đổi).

Tại Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1.2023, Chính phủ thống nhất rằng cần thiết lập đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Dự kiến, dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Trong văn bản góp ý vào dự thảo đề cương chi tiết Luật Việc làm 2013 (sửa đổi) gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đây, VASEP bày tỏ lo ngại về quy định sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Cụ thể, theo dự thảo đề cương chi tiết Luật Việc làm 2013 (sửa đổi), sẽ quy định bổ sung danh mục công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và yêu cầu "phải sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trong các công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe của cá nhân người lao động và cộng đồng".

VASEP cho rằng, quy định công việc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là các công việc “ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe người lao động và cộng đồng” quá chung chung. Bất kỳ công việc nào cũng có thể coi là ảnh hưởng đến yếu tố này. Nếu không có thêm các căn cứ quy định khác, Chính phủ hoàn toàn có thể và có quyền đưa bất cứ công việc nào vào danh mục bổ sung các công việc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Điều này tạo ra sự không dự đoán trong văn bản pháp quy cấp cao có ảnh hưởng lớn như văn bản luật.

Quy định chung chung như vậy theo VASEP có thể dẫn đến tình huống hàng chục triệu lao động sẽ phải đi học và thi để được cấp chứng chỉ mới có thể tiếp tục đi làm. Điều này gây lãng phí chi phí và thời gian của người lao động, đồng thời khiến sản xuất của hàng trăm ngành nghề đình đốn sản xuất khi thiếu lao động. Tính riêng ngành chế biến thủy sản (là ngành liên quan đến an toàn thực phẩm), lượng công nhân phải xin cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã lên tới gần 1 triệu lao động với gần 1.000 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp, trong khi các công nhân này đều đã có Giấy chứng nhận kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật này.

Hơn nữa, hiện nay các doanh nghiệp đều đào tạo người lao động đến khi đạt được trình độ theo yêu cầu, đồng thời có bộ phận giám sát kiểm tra trong quá trình làm việc nhằm bảo đảm an toàn và tuân thủ đúng theo quy định, hướng dẫn của doanh nghiệp và tuân theo Luật An toàn thực phẩm, Luật An toàn vệ sinh lao động, được cơ quan chức năng kiểm tra định kỳ. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo tại các trường nghề hiện chưa phù hợp với đặc thù sản xuất của doanh nghiệp, bởi vậy yêu cầu bắt buộc sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là chưa phù hợp. 

Có thể hiểu, việc bổ sung quy định mới về sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước trong tình hình mới. Ở góc độ khác, "đồng tiền đi liền khúc ruột", doanh nghiệp khi tuyển dụng, bố trí công việc và trả lương cho người lao động đều dựa trên trình độ, khả năng đáp ứng công việc thực tế để đạt hiệu quả cao nhất mà không cần phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Đó là chưa kể chứng chỉ nghề quốc gia chưa đáp ứng được đầy đủ các vị trí công việc mà doanh nghiệp yêu cầu và xã hội ngày càng phát triển thì ngày càng có nhiều công việc mới trong doanh nghiệp. Vì vậy, đề xuất của VASEP - hoặc bỏ quy định này, hoặc quy định rõ tiêu chí của những công việc cần phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia - là hợp lý và xác đáng, cần được cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Việc làm (sửa đổi) xem xét để tránh lãng phí và tránh thêm thủ tục không cần thiết cho người lao động và doanh nghiệp.

Cẩm Phô