Chợ Tết công đoàn

- Chủ Nhật, 27/11/2022, 06:17 - Chia sẻ

“Chợ Tết công đoàn” dành cho công nhân, người lao động sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại Đồng Nai trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay.

Ảnh minh họa

Chợ do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức từ ngày 6 - 13.1.2023, quy mô 120 gian hàng bày bán hàng thiết yếu với mức giá thấp hơn ít nhất là 15% so với giá thị trường. Đặc biệt, ở một số gian hàng, người lao động có thể mua sắm hàng hóa với giá 0 đồng. "Chợ Tết công đoàn" tại Đồng Nai dự kiến sẽ phục vụ khoảng 30.000 lượt công nhân đến tham quan, mua sắm.

Đây là một trong những hoạt động chăm lo cho người lao động của chính quyền địa phương, công đoàn các cấp vào dịp cuối năm. Đặc biệt, bối cảnh năm nay nhiều lao động bị mất việc trước Tết do doanh nghiệp không có đơn hàng, những hoạt động như “Chợ Tết công đoàn”, tặng quà, hỗ trợ vé tàu xe, tổ chức những “chuyến xe 0 đồng”, tổ chức đón Tết cho những người không về quê ăn Tết... càng có ý nghĩa hơn.

Ở Đồng Nai, nơi diễn ra “Chợ Tết công đoàn”, cũng có rất đông công nhân, người lao động làm việc và sinh sống. Báo cáo nhanh của các doanh nghiệp gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, do khó khăn chung từ các thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp phải sắp xếp lại lao động để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện có khoảng 100 doanh nghiệp sử dụng 200.000 lao động báo cáo bị giảm đơn hàng, thiếu nguyên liệu, tiêu thụ hàng hóa chậm… do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến công ăn việc làm và thu nhập của công nhân, người lao động. Trước đó, từ tháng 6 đến 10.2022, một số doanh nghiệp do quá khó khăn đã phải cắt giảm khoảng 20.000 lao động. Nhóm các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thuộc các ngành chế biến gỗ xuất khẩu, may, da giày...

Tương tự, khó khăn chung của thị trường xuất khẩu cũng khiến hàng trăm doanh nghiệp ở các địa bàn trọng yếu về xuất khẩu như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An... rơi vào cảnh “đói” đơn hàng vào đúng mùa cao điểm nên phải cắt giảm việc làm. Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng này đang diễn ra ở 28 địa phương với 485 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, do bị giảm, mất đơn hàng. Phía Nam chiếm tới gần 62% doanh nghiệp và 87% lao động. Giảm đơn hàng nhiều nhất là doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, tới 30-50%; tiếp đến là điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch... Tổng cộng 570.000 công nhân bị giảm giờ làm; 34,5 nghìn người bị chấm dứt hợp đồng; hơn 31.000 người nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng. Dự báo, việc cắt giảm việc làm của công nhân, lao động có thể kéo dài hết quý I năm tới.

Nỗi lo "mất Tết" có lẽ đang thường trực trong tâm trí những lao động bị cắt giảm giờ làm, bị mất việc. Vào lúc này, quan tâm và trợ giúp để người lao động có một cái Tết đầm ấm, tươi vui, an toàn chính là sự bù đắp ý nghĩa cho những khó khăn họ đã và đang trải qua. Nhưng chắc chắn, sự chăm lo lâu dài hơn, ý nghĩa hơn và ở phạm vi rộng hơn sẽ không dừng lại ở những phiên chợ, chuyến xe 0 đồng, những gói quà Tết cho từng cá nhân người lao động. Có công ăn việc làm ổn định; có một nơi ăn chốn ở đường hoàng; có trường học cho con em để không rơi vào cảnh bố mẹ ở “quê người”, con cái ở “quê nhà”; có cơ sở y tế để được chăm sóc sức khỏe và các thiết chế văn hóa, giải trí để nuôi dưỡng đời sống tinh thần... - làm thế nào để những mong ước đó của hàng triệu công nhân trở thành hiện thực? Đó chính là bài toán chính sách lớn cần Nhà nước đi tìm lời giải căn cơ!

Cẩm Phô