Làm đúng thì không sợ!

- Thứ Năm, 20/01/2022, 05:51 - Chia sẻ
Cách đây chưa lâu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam đã chia sẻ trên một tờ báo rằng chưa khi nào chúng tôi tiếp nhận trang thiết bị phân bổ về bệnh viện lại khó khăn như hiện nay...

Theo ông Nam, tình trạng e dè trong mua sắm trang thiết bị y tế của các bệnh viện hiện nay khá phổ biến, dẫn chứng là Trưởng phòng Vật tư trang thiết bị y tế của một bệnh viện đã nói, nếu Sở Y tế phân bổ về cho đơn vị thì xin nghỉ việc vì không muốn mua gì cả... Nguyên nhân là bởi hành lang pháp lý trong việc đấu thầu trang thiết bị y tế chưa rõ ràng, dễ dẫn đến những sai sót ngoài ý muốn. Ngoài ra còn có nguyên nhân khác như tổ chức hoạt động, năng lực mua sắm của các đơn vị còn yếu nên nếu không giải tỏa được vấn đề tâm lý thì sự phát triển của ngành y tế từ nay về sau sẽ trở nên rất khó khăn khi các trang thiết bị mới, kỹ thuật mới không được đầu tư...

Đây không phải lần đầu tình trạng "ngại", "sợ" mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 được nêu ra. Như tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, một đại biểu Quốc hội đã phát biểu rằng, nhiệm vụ đầu tư mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế là vô cùng quan trọng, tuy nhiên đang có vướng mắc về mặt pháp lý, có tình trạng sợ trách nhiệm, trông chờ dựa vào cấp trên của một số cán bộ chủ trì ở những cấp có quyết định đầu tư, mua sắm... dù Chính phủ đã có các nghị quyết, chỉ thị nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước, các quyết định chỉ đạo này vẫn chưa đủ mạnh, quy trình thủ tục vẫn có "độ trễ" nhất định.

Nhận định là đúng, trúng thực tiễn và để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết về mua sắm vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch. Các bộ, ngành cũng đã có công văn hướng dẫn, trong đó có hình thức chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách nhưng công tác đấu thầu vẫn còn những "rào cản" nhất định. Ví dụ như khi xây dựng giá gói thầu, các công văn hướng dẫn đều chỉ rõ cần tham khảo giá của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định gói thầu nhưng trên thực tế không có đơn vị nào mua bán. Trường hợp không có đủ 3 đơn vị trên địa bàn, việc xây dựng giá có thể tham khảo trên địa bàn và các tỉnh thành khác nhưng việc này cũng không đơn giản.

Nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công bày tỏ băn khoăn rằng, liệu có phải đã xuất hiện một dịch bệnh khác, âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ các cấp và len lỏi trong mỗi người, gây nguy cơ cho sự phát triển đất nước đó là bệnh sợ trách nhiệm? Vì nguyên nhân gì mà nhiều cán bộ trong đó có cả người đứng đầu các đơn vị lại sợ trách nhiệm? Có những người khi thực thi nhiệm vụ, dù biết là đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn sợ và không dám quyết định chỉ vì nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân.

Trực diện vấn đề hơn, có ý kiến cho rằng thực trạng trên bộc lộ sự yếu kém, lúng túng ở địa phương. Ở đây, có hai vấn đề là đạo đức và pháp luật. Ở khía cạnh đạo đức, đòi hỏi là sự tiên phong, vào cuộc một cách quyết liệt của ngành y tế, thậm chí chấp nhận hy sinh khi dịch bệnh xảy ra. Về vấn đề pháp luật, thì làm gì cũng có luật quy định, các địa phương, các bệnh viện không phải sợ mua sắm mà sợ mua sắm trái pháp luật.

Như vậy, bên cạnh một số những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của pháp luật cần phải sửa đổi hoặc có quy định riêng về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, điều tối quan trọng để "trị bệnh sợ" là làm đúng.

Ninh Hà