Chậm trễ đến bao giờ?

- Thứ Sáu, 26/06/2020, 07:24 - Chia sẻ
Thường trực Chính phủ vừa có cuộc họp về kế hoạch và phương án tổng thể xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Tại đây Thủ tướng yêu cầu cần có quyết sách rõ ràng cho từng dự án. Nếu phục hồi được thì cố gắng phục hồi, còn không thì buộc phải phá sản, giải thể, thanh lý… Tinh thần là không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản nhà nước.

 

Cho đến nay, việc xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành công thương đã thực hiện được gần 4 năm theo Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội và gần 3 năm theo Đề án xử lý ban hành tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng. Trong khoảng thời gian tương đối dài như vậy, những vướng mắc mấu chốt nhất của các dự án, doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết.

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, Chính phủ cho biết chỉ 2 dự án có lãi (Nhà máy Phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy thép Việt - Trung). Nhà máy Đạm Ninh Bình và Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất tuy giảm lỗ nhưng chưa bền vững. Ngoài Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ đã vận hành trở lại, 7 dự án, doanh nghiệp còn lại vẫn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động. 5/12 dự án có tranh chấp, vướng mắc EPC với nhiều nội dung được doanh nghiệp đàm phán nhiều lần với đối tác nhưng vẫn không thành công.

Với kết quả này, việc đa số dự án không trả được nợ đúng hạn không có gì khó hiểu. Tính đến cuối năm 2019, dư nợ của 12 dự án tổng cộng gần 21 nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể một số ngân hàng còn cấp tín dụng cho các chủ đầu tư có liên quan đến 12 dự án khoảng 23 nghìn tỷ đồng và Ngân hàng Phát triển Việt Nam cấp tín dụng cho 6 dự án gần 10 nghìn tỷ đồng.

Nhưng điều đáng nói hơn cả là nhiều phương án xử lý đối với các dự án nêu trong Đề án 1468 đến giờ đều không khả thi và hướng giải quyết tới đây cũng chưa rõ ràng.

Bốn năm trước, trong Nghị quyết số 33/2016/QH14, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng “khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho nhà nước”. Một năm sau, trong Quyết định số 1468/QĐ-TTg, Thủ tướng cũng khẳng định quan điểm: “Kiên quyết thực hiện cho phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật đối với các dự án, doanh nghiệp không có khả năng khắc phục”. Dù vậy tới giờ vẫn chưa có dự án nào phá sản! Liệu rằng việc xử lý các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” tới đây có tiếp tục trong vòng luẩn quẩn nữa hay không?

Phá sản doanh nghiệp nhà nước không phải việc dễ dàng, thậm chí đó là một quá trình đau đớn - ở chỗ vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp bị mất, nhiều ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ “khủng” và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng, ảnh hưởng gián tiếp đến việc nộp thuế cho ngân sách. Tuy nhiên, nếu chúng ta mất quá nhiều thời gian để nhìn nhận ra vấn đề không thể để tiếp tục tồn tại của những dự án, doanh nghiệp đó thì nỗi đau đớn sẽ còn lớn hơn rất nhiều. “Bài học xương máu” là rất nhiều tiền đã được đổ thêm vào để tái cơ cấu Vinashin nhưng không mang lại kết quả và ngân sách tiếp tục phải gánh chịu những thiệt hại lớn hơn.

Hà Lan