
Yếu tố bất ổn dễ nhận thấy là nguy cơ lạm phát cao quay trở lại do độ trễ của lượng cung tiền khá lớn được Nhà nước bơm vào thị trường trong các năm 2008-2009 để thực hiện các giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tiếp đến là nguy cơ thâm hụt cán cân thanh toán, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng nhập siêu. Trong năm 2008, quy mô nhập siêu của nước ta lên tới 17,5 tỷ USD, và năm 2009 nhập siêu khoảng 12 tỷ USD. Cùng với nguy cơ tái lạm phát cao, nếu tỷ lệ nhập siêu tiếp tục tăng cao trong năm nay sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát kép, tức là vừa lạm phát trong nước, vừa nhập khẩu lạm phát. Một rủi ro tiềm ẩn khác trong chính sách tiền tệ là tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại tại thời điểm này đang được cho là có vấn đề do các ngân hàng thương mại thiếu vốn có thể chạy đua nâng cao lãi suất để huy động vốn. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo nguy cơ bất ổn vĩ mô do mức huy động đầu tư quá cao so với GDP. Tỷ lệ tổng vốn đầu tư/GDP những năm gần đây đều chiếm tới hơn 40%. Riêng năm 2009 là khoảng 43%. Trong khi đó, tỷ lệ tích luỹ của nền kinh tế chỉ đạt khoảng 30%. Sự mất cân đối này cho thấy hiệu quả đầu tư và sử dụng các nguồn vốn phát triển KT-XH rất thấp, gia tăng sức ép về bội chi ngân sách, lạm phát...
Những nguy cơ nêu trên thực chất là hệ quả tất yếu của việc thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa để đối phó với khủng hoảng trong năm 2008-2009. Điều quan trọng là, chính sách tài chính tiền tệ, chính sách tài khóa năm 2010 nên như thế nào để có thể ngăn chặn được các rủi ro tiềm ẩn này; đồng thời tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển ổn định, lành mạnh trong bối cảnh hậu suy giảm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa năm nay cần đạt được mục tiêu đầu tiên là chống nguy cơ lạm phát cao quay trở lại. Phó giám đốc chương trình giảng dạy Fullright Vũ Thành Tự Anh cho rằng, không nhất thiết cứ có nguy cơ lạm phát là phải thực hiện ngay các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ mà quan trọng hơn là cần điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt. Ví dụ như việc các ngân hàng thương mại đang có vấn đề về thanh khoản, thì Ngân hàng Nhà nước cần can thiệp bằng các biện pháp mang tính thị trường để giảm bớt căng thẳng cho các ngân hàng thương mại.
Về điều hành tỷ giá, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: điều hành tỷ giá cần phải hết sức linh hoạt. Cần kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại tệ tự do và tăng cường các biện pháp thông tin, tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý thị trường. Bên cạnh đó, cần minh bạch hóa các thông tin về cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối... Nếu vẫn thấy có chênh lệch tỷ giá đáng kể giữa thị trường tự do và tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố, thì Ngân hàng Nhà nước cần phải có động thái can thiệp và điều chỉnh kịp thời. Một điểm đáng lưu ý nữa là cần khắc phục tình trạng bội chi ngân sách cao. Thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả đầu tư, trong đó, cần tập trung vốn đầu tư phát triển của nhà nước cho các dự án, công trình có hiệu quả, có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng sớm trong năm 2010 – 2011, thay vì mở rộng đầu tư trong bối cảnh khan hiếm vốn, tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP cao và hệ số ICOR cao. Chuyên gia Vũ Thành Tự Anh cho rằng, cần thận trọng với các dự án đồ sộ và hoành tráng trong năm 2010 vì khả năng huy động vốn và thu xếp vốn cho các dự án này chưa thực sự chắc chắn. Hạn chế chi ngân sách dàn trải, tập trung vào các khoản chi cần thiết nhất, đặc biệt là chi cho mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Về lâu dài, nhất thiết phải tiến hành tái cơ cấu đầu tư. Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cũng đề xuất, phải kiểm soát chặt chẽ việc thành lập các công ty chứng khoán, các ngân hàng, các công ty bảo hiểm vì thực tế, việc có quá nhiều công ty chứng khoán thời gian qua đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, có công ty chứng khoán cho vay đầu tư bằng 200% đến 300% để thu hút các nhà đầu tư giao dịch tại công ty mình, gây méo mó thị trường chứng khoán.