Giảm thuế giá trị gia tăng giúp kích cầu tiêu dùng nội địa
- Tại phiên họp chiều 24.5, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh sớm phục hồi đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, tích cực. Ông đánh giá thế nào về chính sách này?
- Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 là một giải pháp cần thiết trong thời điểm hiện nay. Giải pháp này đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% cũng đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế giá trị gia tăng nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.
Bên cạnh việc kích cầu tiêu dùng, mục tiêu xây dựng chính sách cũng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế; thực hiện tốt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Nên mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế?
- Có ý kiến đề nghị cân nhắc, mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT theo hướng áp dụng thuế suất 8% đối với tất cả các nhóm hàng hóa đang áp dụng mức thuế suất 10% theo quy định của Luật Thuế GTGT vì hiện nay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
- Theo tôi, việc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT là hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Mục đích thực hiện chính sách thuế để phục vụ điều hành kinh tế, xã hội nên cần tính đồng bộ, đảm bảo được sự phù hợp, hiệu quả và tính toàn diện trong chính sách tài khóa. Doanh nghiệp nào hiện nay cũng gặp khó khăn, chỉ là khó khăn ít hay khó khăn nhiều hơn. Do vậy, việc mở rộng đối tượng sẽ thể hiện được tính công bằng, minh bạch của chính sách này. Không chỉ vậy, sử dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cũng góp phần giúp cá nhân, tổ chức sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn khi mua sắm; sử dụng hàng hóa dịch vụ; từ đó kích cầu và thúc đẩy doanh nghiệp có điều kiện có những đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp ít khó khăn hơn cũng có lợi thế khôi phục đà tăng trưởng, hội nhập quốc tế để hàng hóa cạnh tranh tốt hơn, giá thành rẻ hơn.
Nhưng, kinh tế thế giới thời gian qua có nhiều suy giảm đã ảnh hưởng đến dự báo thu ngân sách năm 2023. Nếu điều chỉnh và áp dụng phạm vi được giảm thuế GTGT quá rộng sẽ tạo tác động tiêu cực đến kế hoạch thu ngân sách trong năm. Để đưa ra được phương án hợp lý đòi hỏi Chính phủ cần tích cực quan tâm; điều hành chính sách thật hiệu quả; tuy giảm thu ngân sách nhưng tăng các khoản thu khác nhằm đảm bảo an toàn cho ngân sách năm 2023.
- Thời gian giảm thuế GTGT kéo dài trong 6 tháng, từ 1.7 - 31.12.2023. Trong tình hình biến động khó lường và dự báo còn rất khó khăn, theo ông, liệu 6 tháng đã đủ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?
- Trong 6 tháng thực thi, chính sách đã đạt được nhiều hiệu quả trong kinh tế, có sức ảnh hưởng rộng rãi, lan tỏa trên phạm vi toàn quốc. Theo tôi, thời gian đưa ra đã được Quốc hội và Chính phủ tính toán, cân nhắc, đánh giá tác động trên mọi mặt một cách cẩn thận và kỹ lưỡng. Rất khó để đề cập đến chuyện kéo dài thời gian áp dụng việc giảm thuế cho năm sau, tuy nhiên, xét về lâu dài cũng cần kế hoạch dài hơi hơn nhưng cần nghiên cứu, đánh giá trên nhiều yếu tố như phải cân đối nhu cầu chi tiêu; xem xét nguồn thu trong năm; các khoản vay; khả năng chi trả,...
- Xin cảm ơn ông!