Đó là chia sẻ ý nghĩa mà cựu học sinh Trường THCS Cầu Giấy Lê Tuệ Chi gửi gắm trong chương trình giao lưu “Những bước chân trên hành trình vạn dặm” do nhà trường tổ chức ngày 10.1.
Ghi điểm bài luận từ những điều giản dị
Chương trình giao lưu của Trường THCS Cầu Giấy có sự tham gia của những cựu học sinh tài hoa của nhà trường như: Nguyễn Khánh Ly (niên khóa 2017 - 2021). Ly giành học bổng 8,9 tỷ đồng của trường Đại học Yale (Mỹ); Lê Tuệ Chi (niên khóa 2017 - 2021) giành học bổng toàn phần hơn 8 tỷ đồng của Đại học Harvard (Mỹ); Lê Bảo Duy (niên khóa 2017 - 2021) giành học bổng 8,7 tỷ đồng của Đại học Bucknell (Mỹ); Chu Hoa Bảo Trâm (niên khóa 2016 - 2020) - Ủy viên BCH Hội Sinh viên Việt Nam, sinh viên Đại học Ngoại thương; Nguyễn Thư Bình (niên khóa 2017 - 2021) giành học bổng 6,2 tỷ đồng của Đại học Hamilton (Mỹ); Trần Minh An (niên khóa 2019 - 2023) thủ khoa chuyên Văn của 3 trường THPT chuyên.
Chia sẻ “bí kíp” giành học bổng từ đại học danh giá, Lê Tuệ Chi cho biết, Trường Đại học Harvard chọn Chi vì tất cả những điều em làm và thể hiện trong hồ sơ đều là những thứ em thực sự tâm huyết và hứng thú. “Chúng ta hãy nhất quán với đam mê, sở thích, thể hiện được rõ nhất con người mình. Mình có đam mê gì, mục tiêu gì và nỗ lực theo đuổi nó”, Tuệ Chi nói.
Được biết, với bài luận, Chi tập trung vào trải nghiệm khi em đi chụp những khoảnh khắc sinh hoạt đời thường ở những nơi mình đã đi qua. Theo Chi, nhiều người trong bộ hồ sơ thường liệt kê hết những gì lộng lẫy nhất, còn em lại nói về những điều giản dị nhưng bản thân thích thú và thể hiện được con người mình.
Học sinh lớp 12 Anh 1 trường THPT chuyên Sư Phạm Nguyễn Khánh Ly cũng cho biết, bài luận gửi đến trường Đại học Yale của em đều có “màu sắc” nhất định, đó là hơi hướng về lịch sử và ngoại giao. “Với Lịch sử, em được truyền cảm hứng từ ông - là một cựu chiến binh. Đó chính là động lực cho những hoạt động và bài luận của em”.
Khánh Ly cho rằng, "chúng ta nghe đến Harvard, Yale, Bucknell, Hamilton có thể thấy là điều gì đó rất xa vời. Bản thân Ly, Ly cũng đã từng nghĩ để vào được những ngôi trường này, mình phải nghĩ ra cách chữa bệnh ung thư hay phóng tàu vũ trụ lên sao hỏa. Sự thật chúng ta không phải làm những điều to tát ấy. Chúng ta chỉ cần biết chúng ta là ai, chúng ta muốn gì và nỗ lực hết mình theo đuổi nó, chúng ta sẽ thành công”, Khánh Ly nói.
Với Lê Bảo Duy, học sinh lớp chuyên Lý, Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, điểm nổi bật nhất trong hồ sơ là sự tự tin thông qua hàng loạt hoạt động văn nghệ mà em đã tham gia từ lớp 6, khi còn là học sinh Trường THCS Cầu Giấy. Với sự tự tin đó và thành tích học tập nổi bật, Duy đã chinh phục thành công học bổng trị giá 7,8 tỷ đồng của Đại học Bucknell, Mỹ.
Học đều và phân bố thời gian hợp lý cho các môn học
Bên cạnh việc chuẩn bị hồ sơ, làm thế nào để có thể đạt điểm cao trong các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, kỳ thi SAT là câu hỏi được nhiều học sinh đặt ra cho các diễn giả.
Trả lời câu hỏi này, Nguyễn Thư Bình, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam cho biết điều tiên quyết là phải dành nhiều thời gian để tự học. Ngay từ cấp 2, Bình đã đọc các tiểu thuyết kinh điển bằng tiếng Anh để mở rộng vốn từ. Lên cấp 3, Bình bắt đầu viết truyện bằng tiếng Anh để rèn khả năng viết. Để luyện nói, Bình trò chuyện với gia đình và bạn bè bằng tiếng Anh. “Việc tìm bạn cùng đam mê để rèn luyện khả năng nói là rất quan trọng,” Bình chia sẻ. Trong các kỹ năng, theo Bình, khó nhất là viết. Để có bài viết tốt, cần luyện viết nhiều, tích lũy vốn từ để có thể dùng đúng và lưu loát.
Từ một cô gái nhút nhát, chỉ có niềm đam mê duy nhất với môn tiếng Anh và dành trọn thời gian cho nó, Nguyễn Thư Bình đã trở thành một học sinh xuất sắc. Em đạt 9.0 điểm IELTS Acedamic ngay ở lần thi đầu tiên và giành học bổng trị giá 6,2 tỷ đồng của trường Đại học Hamilton Mỹ khi đang là học sinh lớp 12 Anh 1 trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Tuy nhiên, trong ngày trở lại Trường THCS Cầu Giấy, Thư Bình đã bật mí rằng, vào năm học lớp 6, Thư Bình chỉ có niềm đam mê duy nhất với môn tiếng Anh và dành gần như toàn bộ thời gian của mình cho môn học này nên đã “bỏ bẵng” các môn còn lại. Do đó, cô khuyên "đàn em" hãy học đều và phân bố thời gian hợp lý cho các môn học để giành được kết quả tốt nhất.
Cần phân bổ thời gian hợp lý cũng là lời khuyên của Lê Bảo Duy. Theo Duy, để có hồ sơ đẹp, học sinh cần tham gia các hoạt động ngoại khóa nhưng vẫn phải cân bằng giữa ngoại khóa và học tập để có điểm số tốt.
NGƯT, TS Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy bày tỏ niềm tự hào và xúc động khi đón những cựu học sinh tài năng của nhà trường. Sự có mặt, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như ôn lại những tháng ngày học tập dưới mái trường của các em không chỉ tạo động lực, khích lệ các học sinh khóa sau kiên trì theo đuổi ước mơ, mà còn là nguồn động viên, truyền cảm hứng rất lớn đến thầy cô toàn trường không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, mang đến những điều tốt đẹp nhất cho học trò.