Lớp tập huấn do Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An và Văn phòng JICA Việt Nam tổ chức ngày 7.6, tại TP Hội An, Quảng Nam.
Tham gia lớp tập huấn có đại diện các cơ quan, đơn vị gồm: Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, đại diện sở, ban, ngành các tỉnh, thành phố có nhiều di tích kiến trúc gỗ như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… cùng đại diện Ban Quản lý khu phố cổ Hà Nội, các làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Phước Tích (Quảng Nam), Đồng Văn (Hà Giang), đại diện các công ty thiết kế, giám sát, thi công tu bổ di tích kiến trúc gỗ, đặc biệt là cán bộ chuyên môn tham gia trực tiếp vào công tác bảo tồn kiến trúc gỗ.
Lớp tập huấn nhằm cung cấp kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao nhận thức, kỹ thuật về bảo tồn di tích kiến trúc gỗ cho những người làm công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ di tích tại các địa phương, cơ quan và các đơn vị liên quan.
Nội dung khóa tập huấn gồm: cung cấp, phổ biến nội dung lý thuyết qua các bài giảng về bảo tồn di sản kiến trúc gỗ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo tồn di sản kiến trúc gỗ của các địa phương ở Việt Nam và kinh nghiệm từ Nhật Bản; khảo sát thực địa công tác tu bổ di tích kiến trúc gỗ tại Khu di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An, đặc biệt là tại công trình tu bổ di tích Chùa Cầu đang diễn ra.
Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc, trong kho tàng di sản kiến trúc Việt Nam, di tích kiến trúc gỗ giữ vị trí đặc biệt, không chỉ phản ánh lịch sử phát triển đa dạng về nghệ thuật kiến trúc của dân tộc nhằm đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống từ thiết yếu về nơi cư trú đến văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo và quân sự,…; mà qua đó còn khẳng định bề dày lịch sử văn hóa của cộng đồng dân cư, sự sáng tạo và tài hoa của các thế hệ nghệ nhân.
Không những thế, các di tích kiến trúc gỗ còn là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm mỹ thuật đặc sắc qua những điêu khắc, chạm trổ độc đáo trên kèo, trính, cửa, vách… thể hiện sinh động cuộc sống hiện thực, thế giới quan và nhân sinh quan.
"Chính vì vậy, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích kiến trúc gỗ thông qua các hình thức điền dã khảo sát, tọa đàm hội thảo, tổ chức tập huấn nâng cao kiến trúc và kỹ năng,… có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay, vừa giáo dục nâng cao lòng tự hào về truyền thống của dân tộc, cộng đồng vừa góp phần phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương", ông Phạm Phú Ngọc cho biết.
Từ khi được công nhận Di sản thế giới đến nay, công tác bảo tồn di sản kiến trúc gỗ ở Khu phố cổ Hội An được quan tâm đầu tư nhiều hơn với sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn từ Trung ương đến địa phương, sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế. Nhiều hội thảo, tọa đàm, nhiều dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích kiến trúc gỗ ở Hội An được triển khai thực hiện một cách cẩn trọng, chu đáo, chuyên nghiệp và khoa học.
Chính vì vậy, công tác bảo tồn di tích ở Hội An đạt được nhiều kết quả quan trọng, được các chuyên gia quốc tế đánh giá là "hình mẫu điển hình" trong công tác bảo tồn di sản, được UNESCO trao tặng nhiều danh hiệu, giải thưởng.