Dự án VnSAT

Chìa khóa nâng cao vị thế ngành nông nghiệp Long An

- Chủ Nhật, 28/11/2021, 05:41 - Chia sẻ
Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tại Long An đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần cơ cấu lại nền nông nghiệp, thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Sau thời gian triển khai dự án, nông dân áp dụng tốt hơn các kỹ thuật tiên tiến trong canh tác lúa; nhiều danh mục hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư, phục vụ sản xuất và dân sinh.

Mang tới hiệu quả thiết thực

Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (gọi tắt VnSAT) được Ngân hàng Thế giới tài trợ. Thời gian thực hiện từ 2016 - 2020, gia hạn đến tháng 6.2022. Địa điểm thực hiện: 8 tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long về lúa gạo (Cần Thơ, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang và Tiền Giang) và 5 tỉnh Tây Nguyên về cà phê (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An, năm 2016, dự án VnSAT chính thức được triển khai ở Long An với 23 xã thuộc 5 địa phương phía Bắc của tỉnh gồm: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường. Thời gian thực hiện ban đầu dự kiến từ năm 2016 đến 2020. Tuy nhiên, Chính phủ đã gia hạn dự án đến tháng 6.2022 và đến nay, dự án đạt nhiều kết quả nổi bật, trong đó, có việc thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của nông dân chuyển từ sản xuất theo phương pháp truyền thống sang ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Sau thời gian triển khai dự án, nông dân áp dụng tốt hơn các kỹ thuật tiên tiến trong canh tác lúa; nhiều danh mục hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư, phục vụ sản xuất và dân sinh. Có thể nói, dự án VnSAT tại Long An góp phần triển khai, thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành, đổi mới phương thức quản lý canh tác bền vững, nâng cao chuỗi giá trị cho ngành lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân và giảm tác động tiêu cực tới môi trường từ thâm canh lúa.

Đơn cử như tại Mộc Hóa, VnSAT đã được triển khai ở 3 xã là Bình Hòa Đông, Bình Hòa Tây và Bình Hòa Trung. Thông qua dự án, người dân được tham gia nhiều lớp tập huấn về “3 giảm, 3 tăng” (3 giảm trong sản xuất lúa là giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; 3 tăng là tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế); “1 phải, 5 giảm” (1 phải là phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc nguyên chủng; 5 giảm là giảm lượng hạt giống gieo trồng, giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch); giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất. Hơn hết, qua dự án còn giúp địa phương dễ dàng vận động người dân tham gia vùng lúa ứng dụng công nghệ cao, chất lượng cao theo kế hoạch của huyện đề ra.

Còn với huyện Vĩnh Hưng, theo đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, dự án được triển khai, thực hiện trên địa bàn 6 xã là Vĩnh Thuận, Vĩnh Bình, Hưng Điền A, Khánh Hưng, Vĩnh Trị và Thái Bình Trung. Khi mới triển khai dự án, địa phương cũng gặp khó khăn như người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của dự án; công tác tuyên truyền còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu; nông dân tham gia dự án ghi chép nhật ký sản xuất chưa đầy đủ, chưa tuân thủ quy trình canh tác... Tuy nhiên, sau một thời gian, nông dân đã mạnh dạn tham gia, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với nhau; áp dụng quy trình canh tác lúa bền vững, giúp nông dân giảm được lượng giống, lượng phân bón và số lần phun thuốc, từ đó chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận tăng. 

Việc tham gia Dự án VnSat giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, cải thiện thu nhập

Nguồn: ITN 

Triển khai hiệu quả các lớp tập huấn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An, nếu như trước đây, nhiều nông dân thường quan niệm sạ lúa càng dày hay bón phân càng nhiều càng tốt, thậm chí là chưa phân biệt được giống lúa chất lượng hay không chất lượng; làm chi phí đầu vào tăng, lúa bán không có giá hoặc khó tiêu thụ thì những năm gần đây, khi tham gia dự án VnSAT, nhiều nông dân chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm giảm lượng giống, phân đạm, số lần phun thuốc trừ sâu, nước tưới và thất thoát sau thu hoạch cũng như chọn được những giống lúa chất lượng và sản xuất theo đơn đặt hàng của công ty, doanh nghiệp.

Những kết quả có được là nhờ việc triển khai hiệu quả các lớp tập huấn. Từ năm 2016 - 2020, dự án đã tổ chức tập huấn trên 520 lớp về “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” cho trên 11.835 hộ với trên 34 điểm trình diễn về quy mô sản xuất theo “3 giảm, 3 tăng” và 418 lớp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” cho trên 10.860 hộ, với 21 điểm trình diễn về quy trình sản xuất theo “1 phải, 5 giảm”. Dự án còn tổ chức tập huấn 55 lớp với trên 1.580 người tham gia về các nội dung là hướng dẫn trồng nấm rơm, sản xuất lúa giống xác nhận, sản xuất lúa theo VietGAP, quản lý và phát triển hợp tác xã. Riêng năm 2021, dự án tổ chức 19 lớp tập huấn “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”.

Xác định "chìa khóa" nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam chính là sản xuất sạch và sản xuất theo nhu cầu thị trường cần; đồng thời, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà (nhà nông - doanh nghiệp và Nhà nước), Long An tranh thủ nguồn lực của dự án để tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển, hướng đến nền nông nghiệp sạch, bền vững, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Cụ thể như hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng) tham gia chuỗi liên kết giá trị lúa gạo, thương hiệu của Ban Quản lý dự án VnSAT Trung ương; 8 hợp tác xã tham gia dự án liên kết chuỗi giá trị lúa gạo của tỉnh; 9 hợp tác xã tham gia sản xuất lúa giống có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp; 7 hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu; diện tích hợp đồng bao tiêu lúa toàn vùng dự án vụ Đông Xuân 2020 - 2021 là 6.848ha… 

Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ 11 Tiểu dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cho 11 hợp tác xã gồm 3 nhà kho, 11 trạm bơm, 16 trạm biến áp, 9 tuyến đường giao thông nội đồng, 2 cầu, 1 cống… với tổng kinh phí 72,566 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách tỉnh đối ứng trên 13,597 tỷ đồng. Riêng năm 2021, dự án đang tiếp tục triển khai 12 tiểu dự án đầu tư hạ tầng công, với tổng kinh phí trên 64,8 tỷ đồng.

Dương Cầm