Sóng nhiệt khắc nghiệt nhất từ trước tới nay
Ngày 17.7, WMO thông báo mức nhiệt 48,8 độ C ghi nhận trên đảo Sicily của Italy vào ngày 11.8.2021 là mức nhiệt cao kỷ lục mới ở châu Âu. Kỷ lục trước đó ở châu lục này là 48 độ C, đo được ở Athens (Hy Lạp) ngày 10.7.1977. Tuy nhiên, theo WMO, kỷ lục này có thể bị phá vỡ trong những ngày tới trong bối cảnh nắng nóng tiếp tục gia tăng.
Thông thường nhiệt độ cao kỷ lục mới được công bố trên tạp chí có thẩm định. WMO chưa thực hiện bước này, song cho biết do nắng nóng cực đoan đang hoành hành ở châu Âu nên WMO đã thông báo xác nhận mức nhiệt cao kỷ lục mới ở châu lục này.
Theo WMO, cơ quan này sẽ xem xét khả năng các mức nhiệt cao mới được thiết lập trong bối cảnh nắng nóng gay gắt đang tấn công khu vực miền Nam nước Mỹ, Địa Trung Hải, Bắc Phi, Trung Đông và một số nước ở châu Á, trong đó có Trung Quốc. Giáo sư Khoa học Địa lý Randall Cerveny thuộc Đại học Arizona, kiêm báo cáo viên về thời tiết và khí hậu cực đoan của WMO, cho biết nếu có mức nhiệt cao kỷ lục mới nào trong đợt sóng nhiệt hiện nay, WMO sẽ nhanh chóng đưa ra đánh giá sơ bộ, sau đó bắt đầu đánh giá chi tiết. Đây là một phần trong tiến trình xác minh kỹ lưỡng của WMO đối với các mức nhiệt trên thế giới.
Cerveny, giáo sư Khoa học Địa lý tại Đại học Bang Arizona, đã thành lập kho lưu trữ của WMO vào năm 2007. Người quản lý hồ sơ thời tiết thế giới của WMO cho biết: "Biến đổi khí hậu và sự gia tăng nhiệt độ đã thúc đẩy sự gia tăng các báo cáo về kỷ lục thời tiết và khí hậu cực đoan, đặc biệt là về nhiệt độ".
"Chúng tôi phải đảm bảo rằng những hồ sơ này được xác minh vì mục đích hiểu biết khoa học và chính xác”.
Sự kết hợp giữa El Nino và biến đổi khí hậu
Nhiệt độ khắc nghiệt đã tấn công châu Âu trong năm nay khi thế giới trở nên ngột ngạt do sự cộng hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino và tình trạng ấm lên toàn cầu do khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nhưng mức cao mới nhất đã trở nên tồi tệ hơn bởi một cơn bão xoáy có tên là Cerberus, tên gọi do Hiệp hội Khí tượng Italy đặt tên theo con chó ba đầu có đôi mắt rực lửa canh giữ cổng địa ngục trong thần thoại Hy Lạp. Khu vực áp suất cao này bắt đầu ở sa mạc Sahara trước khi di chuyển qua phía bắc châu Phi và vào Địa Trung Hải.
Chưa hết, vào ngày 16.7, một cơn bão xoáy có tên Charon, được đặt theo tên người lái đò đưa linh hồn người chết trong thần thoại Hy Lạp, bắt đầu hoành hành khắp châu Âu, làm trầm trọng thêm tình trạng thời tiết khắc nghiệt của lục địa.
Thế giới sẽ nóng đến mức nào?
Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), các đảo Sardinia và Sicily của Italy có thể sôi sục ở nhiệt độ 48°C trong những ngày tới, thậm chí có thể vượt qua mức "nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở châu Âu". Vào tháng 8.2021, Sicily đạt 48,8°C – mức được WMO xác lập là kỷ lục hiện tại.
Rome, Bologna và Florence nằm trong số 10 thành phố của Italy hiện đang trong tình trạng báo động đỏ về nắng nóng cực độ. Mọi người đã được khuyên nên tránh ánh nắng trực tiếp ở những nơi này trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 6 giờ chiều.
Nhiệt độ ở thủ đô của Italy vượt quá 42°C vào 17.7, phá vỡ kỷ lục trước đó là 40,5°C được thiết lập vào mùa hè năm 2007.
Trong khi đó, giới chức y tế trên khắp thế giới, từ Bắc Mỹ đến châu Âu và châu Á, đã lên tiếng cảnh báo tình trạng nắng nóng, khuyến cáo người dân tránh ra ngoài trời và uống đủ nước.
Tại Hy Lạp, cháy rừng gần thủ đô Athens khiến lực lượng chức năng phải sơ tán 1.200 trẻ em đang tham gia hoạt động cắm trại gần khu nghỉ dưỡng bên bờ biển.
Theo truyền thông địa phương, một số ngôi nhà đã bị thiêu rụi. Tại thủ đô Rome của Italy, nhiệt độ trong ngày 17.7 đã gần chạm mức kỷ lục 39 độ C.
Trung Quốc cũng thông báo mức nhiệt cao kỷ lục vào giữa tháng 7 ở khu vực Tây Bắc nước này - nơi nhiệt độ lên tới 52,2 độ C ở làng Sanbao, thuộc Khu tự trị Tân Cương, cao hơn tới gần 2 độ C so với mức kỷ lục 50,6 độ C ghi nhận 6 năm trước.
Chính quyền 32/47 tỉnh của Nhật Bản đã cảnh báo nguy cơ say nắng do thời tiết nắng nóng. Truyền thông Nhật Bản cho biết ít nhất 60 người đang được điều trị do Trong khi đó, ở các bang miền Tây và miền Nam nước Mỹ, nơi thường ghi nhận nhiệt độ cao, hơn 80 triệu người dân đã được cảnh báo về các nguy cơ trong bối cảnh nắng nóng cực đoan đang lan rộng ở khu vực.
Nhiệt độ đo được ở Thung lũng Chết, bang California - một trong những khu vực nóng nhất trên thế giới, trong chiều 16.7 đã lên tới gần mức kỷ lục 52 độ C.
Thủ phủ Phoenix của bang Arizona lần đầu tiên ghi nhận mức nhiệt trên 43 độ C kéo dài liên tiếp trong 18 ngày, trong đó đầu giờ chiều 17.7, nhiệt độ tại đây lên tới 45 độ C.
Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh: "Thời tiết cực đoan đang tác động mạnh đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nền kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn cung cấp nước”. Điều này càng khẳng định tính cấp thiết của việc nhanh chóng cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.