Chẳng thơm cũng thể hoa nhài...

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Câu ca xưa vẫn văng vẳng đâu đây khi nhắc về vẻ đẹp, cốt cách người Hà Nội, để rồi trở thành đường dẫn truyền tải thông điệp sâu sắc trong bộ phim cuối cùng của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.

Những mảng ghép đa sắc màu

Buổi công chiếu phim Hoa nhài mở màn Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI năm 2022 chật kín khán giả. Từ háo hức, mong chờ đến tĩnh lặng, suy tư là tâm trạng chung của khán giả yêu điện ảnh dành cho tác phẩm của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh. Bộ phim đưa người xem trở về những năm 2000, chứng kiến những biến động của Hà Nội trong quá trình chuyển mình vươn lên và mối quan hệ giữa nó với vùng lân cận. Ở đó, cuộc sống của con người thuộc tầng lớp bình dân chốn thị thành hiện ra, dung dị, đời thường.

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài... -0
Poster phim "Hoa nhài"

Các nhân vật trong phim, bằng số phận riêng đã kể lại câu chuyện đời sống giản đơn mà nhân nghĩa. Một cậu bé ở nông thôn ra Hà Nội đánh giày, được cặp vợ chồng già cưu mang, kéo theo bao chuyện dở khóc, dở cười trên con đường mưu sinh khi chưa đủ tuổi thành niên. Nhưng dù có biến cố gì xảy đến, cậu luôn được bao bọc trong tình thương của vợ chồng người cắt tóc vỉa hè, của ông giáo già dạy nhạc cho dàn đồng ca học sinh khiếm thị, của ngôi trường dạy nghề... Những câu chuyện đan cài vào nhau, thắt nút rồi mở nút, chuyện nối chuyện khi những con người ấy gặp nhau, giúp đỡ nhau, tấm lòng nhân ái lại góp phần vun đắp tiếp những tấm lòng nhân ái.

Theo nghệ sĩ Hoàng Huy, phim nói về bước chuyển mình của xã hội, trong đó có Hà Nội, từ thời bao cấp sang kinh tế thị trường, dường như bằng cách nào đó vẫn giữ được nét riêng của người Hà Nội. Như vai diễn ông thợ cắt tóc mà ông đảm nhiệm đại diện cho người Hà Nội dân dã, bình thường, đã cưu mang cậu bé đánh giày, yêu thương song cũng vô cùng khắt khe dạy bảo cậu bé giữ nền nếp, cốt cách.

"Tôi sinh trưởng ở Huế, nhưng con người tôi giờ đây không thể xác định là người Huế hay người Hà Nội được nữa. Tôi gắn bó với Hà Nội từ năm 12 tuổi. Những phim tôi đã làm về Hà Nội trước đây đều liên quan tới trang sử nhưng đến phim Hoa nhài, đó là đời sống thường nhật trôi qua trước mắt tôi, với những con người bình dị, bình dân mà tôi đã gặp hàng ngày trên đường phố. Họ là những người chiếm đa số ở Hà Nội, ít ai nói đến, nhưng chính họ làm nên Hà Nội".

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh

“Cứ hình dung có thể ở một vài nơi nào đó bị rơi rụng nếp cũ, nét đẹp tâm hồn con người có thể bị xu hướng xã hội làm mờ nhạt nhưng trong Hoa nhài, trong sâu thẳm những người Hà Nội như các nhân vật trong phim, vẫn hàng ngày tô thắm thêm vẻ đẹp, hương thơm của hoa nhài, bằng cách sống chan hòa, dung dị và trung thực. Đặc biệt có chi tiết phim khiến tôi vô cùng xúc động là khi các con ông thợ cắt tóc nghe tin có chuyện giải tỏa đền bù đã lập tức về hỏi bố mẹ. Trước các con, ông thợ cắt tóc tế nhị coi như không có chuyện gì, nhưng thực ra trong lòng rất đau, mà mãi về sau ông mới bộc lộ với vợ. Chính người Hà Nội là thế, họ không muốn to tiếng ồn ào, luôn muốn gìn giữ để trong ấm ngoài êm. Lối cư xử ấy gieo vào lòng chúng ta câu hỏi cốt cách ấy là một nét đẹp của người Hà Nội chăng? Cốt cách ấy có trong thế hệ xưa, còn thế hệ hôm nay thì sao?” - nghệ sĩ Hoàng Huy chia sẻ.

“Đặt diễn viên vào nhân vật, đặt nhân vật vào cuộc sống”

Như đường dẫn chạy xuyên suốt, bản nhạc Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi chia nhịp phim, dẫn dắt cảm xúc trước lối hành xử tử tế, thanh lịch của những con người khiêm nhường đã góp phần làm nên Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Tất cả nhân vật, địa điểm trong phim đều là thật. Nhạc sĩ già chơi đàn và dạy hát cho học trò khiếm thị chính là lớp học ngoài đời của thầy trò GS. Tôn Thất Triêm. Trường dạy nghề Hoa Sữa “vào phim” với tên thật. Và khung cảnh phim, từ những ngõ phố nhỏ lắt léo, quán xá vỉa hè, cây cầu nhỏ bắc qua mương… đều có thể bắt gặp ở bất cứ góc nào của Hà Nội.

Có lẽ vì vậy, ở bộ phim này, vị đạo diễn 84 tuổi lựa chọn cách kể chuyện khác biệt, không xây dựng bối cảnh cầu kỳ, không dàn dựng mà chỉ đơn thuần đặt diễn viên vào nhân vật, đặt nhân vật vào cuộc sống đời thường.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh bộc bạch: “người ta thường nói trong nền kinh tế thị trường hiện nay, người Hà Nội không còn như xưa nữa, họ trở nên thực dụng hơn, ích kỷ hơn, không còn vẻ thanh lịch vốn có. Làm phim Hoa nhài, lần đầu tiên tôi cảm nhận cảm giác sung sướng, hạnh phúc. Tôi nhận ra sâu thẳm bên trong từng con người, từng gia đình có vẻ đẹp truyền thống của người Hà Nội. Người Hà Nội quan tâm lẫn nhau, giúp đỡ nhau, đặc biệt người Hà Nội tự xoay xở trong cuộc sống, họ không than vãn, không oán tránh ai, tự mình vượt qua khó khăn, giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn. Vẻ đẹp đó tựa mùi thơm của hoa nhài, nhẹ nhàng, thoang thoảng, nhưng sâu lắng”.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh (đội mũ trắng) trong buổi công chiếu phim
Đạo diễn Đặng Nhật Minh (đội mũ trắng) trong buổi công chiếu phim "Hoa nhài" ngày 8.11.2022. Ảnh: HANIFF

Thủ đô của phẩm giá con người

 “Cháu có biết câu ca dao này không: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An? Tràng An là thế nào hả ông? - Cháu có thể hiểu câu ca dao là như thế này: chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người thủ đô. Hà Nội xưa nền nếp lắm”.

Câu ca dao xuất hiện trong lời thoại của phim, cùng với những chi tiết rất nhỏ từ chiếc ấm pha trà, đĩa hoa nhài mới hé, đến những câu đối đáp đầy trân trọng… làm bật lên chất Hà Nội. Chất tinh tế ấy được đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh gọi là nhân sinh quan, thế giới quan về Hà Nội, và rằng, có thể từ đó mà thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về con người, về cuộc đời.

Như Nguyễn Minh Đức, nam diễn viên 15 tuổi đang theo học Trường THPT Thăng Long, Hà Nội, tâm sự: vai diễn cậu bé đánh giày trong phim mang đến cho em những góc nhìn mới về Hà Nội, về tình người. “Trong bộ phim mô tả rất nhiều vẻ đẹp của những con người lao động trong cuộc sống hàng ngày, từ cậu bé đánh giày, thợ cắt tóc, người giúp việc, người bán phở… Bình thường em không quan tâm quá nhiều tới họ nhưng giờ đây em thấy rằng dù ai ở tầng lớp nào cũng có vẻ đẹp riêng và đáng được trân trọng”.

Vẻ đẹp riêng của Hà Nội càng đáng quý khi toát lên từ chất nhân văn trong sâu thẳm mỗi con người. Đó cũng là điều khiến Hà Nội trở nên đặc biệt, và tình cảm dành cho Hà Nội trở nên rất đỗi thiêng liêng. Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú nhìn ra nhiều ẩn ý trong phim Hoa nhài và liên tưởng với tình yêu Hà Nội của mình. “Thật tình cờ tôi chính là người sinh ra và lớn lên ở ngõ Tràng An, thông giữa chợ Hôm với phố Triệu Việt Vương. Người ta bảo nhau rằng đi qua ngõ Tràng An, đế vương trở thành người kẻ chợ và từ kẻ chợ đi qua ngõ lại trở thành đế vương, tức là nói đến phong cách rất dung dị song cũng rất thanh lịch, khoan thai của người Hà Nội”.

“Thực tế có nhiều vấn đề mà người Hà Nội phải đối diện, giữa cái cũ với cái mới, hôm nay với hôm qua, lớp già với lớp trẻ, giữa những lối tư duy khác nhau, hơn nữa còn sự xâm thực của một đời sống thực dụng ở nhiều tầng lớp, nhiều yếu tố pha loãng chất đậm đặc của người Hà Nội. Điều đó buộc người Hà Nội phải thích nghi, thay đổi, nhưng làm sao vẫn thể hiện được đây là thủ đô của phẩm giá con người”, PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú nói. 

Văn hóa

Tọa đàm khoa học: “Ni giới Thủ đô: Kế thừa truyền thống, hội nhập và phát triển”
Văn hóa

Tọa đàm khoa học: “Ni giới Thủ đô: Kế thừa truyền thống, hội nhập và phát triển”

Nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và tiền bối Ni hữu công Phật giáo Việt Nam năm 2025. Ngày 02.4 (nhằm ngày 05/03 Ất Tỵ), Phân ban Ni giới Thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Ni giới Thủ đô: Kế thừa truyền thống, hội nhập và phát triển” tại Tổ Đình Tây Thiên – Trung Hậu (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP Hà Nội).

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa
Văn hóa - Thể thao

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa

Sáng 3.4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo quốc tế "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", xin ý kiến chuyên gia xây dựng đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế".

Hà Nội tổ chức biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam
Văn hóa - Thể thao

Hà Nội tổ chức biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) và 139 năm Ngày Quốc tế Lao động (1.5.1886 - 1.5.2025); 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2025), các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện 

Nghe vải kể chuyện
Văn hóa

Nghe vải kể chuyện

Trong dáng điệu mau mắn toát lên đầy năng lượng tích cực của người phụ nữ đã bước qua tuổi lục tuần, họa sĩ Trần Thanh Thục nhiệt tình giới thiệu những bức tranh cắt vải độc đáo. Bà tâm sự: “Mỗi tác phẩm như câu chuyện nhỏ đưa ta về miền ký ức, cảm nhận thời gian trôi trên từng mái nhà, cùng ta đi qua từng đỉnh núi trập trùng miền sơn cước. Chất liệu vải là thế, chúng có thể kể chuyện và ngợi ca”…

Công bố Quyết định ghi danh “Hội chùa Tây phương” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Văn hóa

Công bố Quyết định ghi danh “Hội chùa Tây phương” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ngày 2.4 (tức ngày mùng 5.3 năm Ất Tỵ), UBND huyện Thạch Thất tổ chức Lễ công bố Quyết định ghi danh "Hội chùa Tây Phương" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, kỷ niệm 10 năm 34 pho tượng chùa Tây Phương được công nhận bảo vật quốc gia và khai hội Chùa Tây Phương năm 2025.

Hiểu thêm về thời đại Hùng Vương
Văn hóa - Thể thao

Hiểu thêm về thời đại Hùng Vương

Thời đại Hùng Vương là một trong những giai đoạn quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của dân tộc. Hai cuốn sách "Thời đại Hùng Vương (lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội)" và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam" do NXB Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu, cung cấp cái nhìn toàn diện về giai đoạn này.

Từ bếp lửa truyền thống đến bàn ăn hiện đại
Văn hóa - Thể thao

Từ bếp lửa truyền thống đến bàn ăn hiện đại

Những món ăn nổi tiếng không chỉ gợi nhớ về một Hà Nội đầy hoài niệm, mà còn chứa đựng giá trị to lớn trong nhịp sống hiện đại. Cùng với việc lưu giữ những công thức gia truyền quý báu qua nhiều thế hệ, người Hà Nội đang nỗ lực sáng tạo để đưa ẩm thực Thủ đô vươn tầm quốc tế.

Gắn kết nghệ sĩ và công chúng
Văn hóa - Thể thao

Gắn kết nghệ sĩ và công chúng

Trong bối cảnh nghệ thuật đang chuyển mình qua những mô hình kết nối trên toàn thế giới, các hoạt động nhằm tăng cường không gian thử nghiệm, trải nghiệm, giao lưu, tương tác nghệ sĩ - công chúng trở thành nhịp cầu quan trọng, kéo gần khoảng cách giữa nghệ thuật với đời sống…

Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội thu hút nhiều doanh nghiệp tư nhân
Văn hóa - Thể thao

Để kinh tế tư nhân trở thành đòn bẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu được định hướng và hỗ trợ từ Nhà nước, kinh tế tư nhân sẽ là động lực thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, tích cực tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại...