
Từ giấc mơ với nàng thơ...
Đối với văn học, Karadzic là tín đồ của thể loại sử thi bi tráng, quần chúng và đậm tính dân tộc Serb - 3 danh từ mà ông luôn mơ ước một ngày nào đó sẽ đi vào lịch sử cùng với tên gọi của ông. Chủ nghĩa dân tộc trong ông được khơi dậy và hun đúc bởi những nhà văn có cùng tư tưởng thời đó như Cosic. Trước chiến tranh, con người này đã từng khao khát trở thành một thi sỹ. Nhưng lúc đó, ông chỉ nhận được những điệu cười khẩy đầy mỉa mai của những kẻ xung quanh. Và cuối cùng, chính trong chiến tranh, chính giữa tiếng nổ ầm ầm của súng đạn, tiếng gào khóc của con người, tiếng rên xiết của những dân tộc bị thảm sát, những vần thơ đã ra đời: “Tôi sinh ra để sống không lăng mộ/Cơ thể này không bao giờ gục ngã/Cơ thể này được không chỉ để thưởng lãm hoa thơm cỏ lạ/Mà còn để đốt phá, giết chóc và phá nát mọi thứ thành tro bụi...”. Những vần thơ đã giúp khắc họa một chân dung đầu não chính trị mà cùng sự lãnh đạo của Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic và cánh tay quân sự Ratko Mladic, đã phá hủy đất nước Bosnia, cuốn dân tộc Serbia vào vòng xoáy bạo lực, giết chóc.
... tới giấc mơ bá quyền
Sinh ra trong một gia đình làm thợ khóa tại một làng nhỏ ở trung tâm Montenegro khi cuộc chiến tranh thế giới vừa kết thúc, Radovan Karadzic nhìn thế giới qua lăng kính của chủ nghĩa dân tộc Serb và lòng thù hận đối với chế độ mới ở Liên bang Nam tư. Bố của ông, một kẻ theo chủ nghĩa bảo hoàng, dân tộc trong Chiến tranh thế giới đã bị bắt và bị cầm tù bởi chế độ thống chế Tito. Cả gia đình của ông, nghèo đói, tha hương, không bao giờ chấp nhận chế độ liên bang đa sắc tộc.
Chuyển đến Sarajevo năm 1960, tốt nghiệp y khoa và trở thành bác sỹ tâm lý học, Radovan Karadzic đã hòa vào trào lưu dân tộc chủ nghĩa Serbia những năm 1980. Năm 1989, Karadzic đồng sáng lập Đảng Dân chủ Serbia (SDS) tại Bosnia-Herzegovina với mục tiêu duy trì Nam Tư trước nguy cơ tan rã. Và đúng vào lúc Liên bang Nam tư tan rã thành những mảnh nhỏ, bắt dầu từ Bosnia-Hezegovina, tiếp đến là Slovenia, Croatia lần lượt tuyên bố độc lập, ông đã cảnh báo rằng: “Nếu những người Hồi giáo tiếp tục từ bỏ Nam Tư, họ sẽ đi đến chỗ tuyệt diệt”. Những người Sarajevo theo dõi lời tuyên bố của ông trên truyền hình đã cười khẩy: Kẻ điên nào đang đe dọa hủy diệt dân tộc này?
Một lần nữa, Karadzic không thể chịu nổi những điệu cười khẩy. Và ngay sau đó, chiến tranh đã nổ ra. Vào ngày 6.4.1992, quân đội của Radovan Karadzic đã nã đạn vào đoàn người biểu tình phản chiến. Karadzic sau đó chuyển đến Pale và tuyên bố trở thành Tổng thống của nước Cộng hòa Serbia tại Bosnia, hoàn toàn trung thành với Chính quyền Belgrade. Cùng với cánh tay quân sự Rafic Mladic và nguồn viện trợ quân sự từ lực lượng bán vũ trang Serbia, Radovan Karadzic tiến hành vây hãm cộng đồng người Hồi giáo ở Serbia trong vòng 3 năm liền, bức ép 70% những người Hồi giáo và người Croatia phải rời bỏ quê hương và giết hại hàng nghìn người. Ông từng tuyên bố “100.000 người chết cũng không phải quá nhiều nếu điều đó giúp phục vụ cho giấc mơ “đại Serbia”.
Vào năm 1994, khi Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic chấp nhận kế hoạch hòa bình quốc tế, Radovan Karadzic vẫn mải miết với kế hoạch của mình. Ông đã mơ thấy ở tương lai vị trí Tổng thống của một nước đại Serbia. Còn Milosevic vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho tướng Mladic nhưng đã bắt đầu xa lánh ban lãnh đạo Serbia ở Bosnia. Một năm sau đó, Karadzic bị Tòa án Hình sự quốc tế về Nam Tư cũ (TPIY) cáo buộc tội thảm sát, tội ác chống lại loài người và tội phạm chiến tranh sau các vụ thanh trừng sắc tộc.
Sự can thiệp quân sự và ngoại giao của phương Tây đã buộc Milosevic từ bỏ Pale, từ bỏ giấc mơ kết nối những người Serbia ở Bosnia và chấp nhận ký vào thỏa thuận hòa bình Dayton vào tháng 11.1995, sự kiện chính thức báo hiệu thời điểm suy tàn của Karadzic.
Radovan Karadzic đã rời bỏ ngôi nhà của ông ở Pale vào một đêm năm 1997 và không bao giờ trở lại, bắt đầu một cuộc lẩn trốn ngoạn mục giữa Bosnia, Montenegro và Serbia, nhờ sự giúp đỡ bởi những nhân vật thân tín của ông và giáo hội cơ đốc giáo trước khi bị bắt giữ ngày 21.7 vừa qua.