Tản mạn

Chân cầu nước chảy

- Thứ Năm, 23/12/2021, 09:59 - Chia sẻ
Người trẻ chúng tôi đi ra nước ngoài với một chút ít ước mơ và khát vọng, nhưng bên cạnh đó cũng có cả những tâm tư và các mẩu ký ức chợt trở nên sống động khi đứng trước hiện thực không có bóng dáng quê nhà. Tôi đã tìm được sự chia sẻ như thế trong suốt hành trình của nhân vật hồi tưởng trong cuốn ''Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề''...

 Tôi được biết tới KTS Hoàng Hữu Phê từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thời đó tôi biết là có một ông kiến trúc sư Việt Nam nào đó rất nổi tiếng ở bên Luân Đôn nhưng phải đến khi làm nghiên cứu ở Thụy Sĩ thì tôi mới đọc sách của chú, cuốn ''36 Old Streets'' (1990)... 

Lý thuyết của chú Phê có những đoạn thuần kiến trúc đô thị nhưng cũng có những phần đọc kỳ thực rất hóc búa theo lối sách toán kinh tế hàn lâm. Vì vậy tôi đã khá bất ngờ khi lần đầu tiên tiếp xúc với bản thảo của cuốn ''Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề" vừa ra mắt của chú.

 Tôi còn nhớ một ngày mùa đông hai năm trước, khi ngồi trên tàu U-bahn cùng một nhóm các cháu mầm non đi dã ngoại. Vì các cháu hơi ồn nên tôi lấy bản thảo cuốn sách trên ra đọc và sau đó tôi đã gần như bật khóc khi lướt đến đoạn một em bé ở Quảng Bình đứng trước một bãi bom nổ chậm. Vào lúc ấy, bất chợt tôi nhìn thấy chính bản thân mình trong một ngày cuối hè ở Vĩnh Phúc năm 1990, trở lại một ngày nọ của tôi và anh trai tôi mới lên ba - bốn; bên dưới những tán cây xanh ngắt và còn đang tranh nhau một quả trứng vịt. 

 Văn chương có sức liên kết con người, đẩy họ vào những khu vực ký ức thầm kín, nó kéo ta trở lại một khoảnh khắc nào đó trong quá khứ chân thực đến mức mà tôi còn nhìn thấy những bóng cây lấp lòa trong đôi mắt tròn to của anh tôi. Và tôi đã khóc như chính hôm ấy, khi tôi nhận ra rằng tôi đã giành hết phần ăn của anh tôi. Chúng tôi cũng đã từng trải qua những ngày tháng hơi đói như thế mà chắc rằng cả hai còn thậm chí đã không ý thức được.

 Người trẻ chúng tôi đi ra nước ngoài với một chút ít ước mơ và khát vọng, nhưng bên cạnh đó cũng có cả những tâm tư và các mẩu kí ức chợt trở nên sống động khi đứng trước hiện thực không có bóng dáng quê nhà. Tôi đã tìm được sự chia sẻ như thế trong suốt hành trình của nhân vật hồi tưởng trong cuốn ''Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề'', đó có thể là nỗi lòng của một thanh niên lần đầu ra đi trên chuyến xe lửa đến nước Nga xa xôi, đó có thể là suy nghĩ của một nhà nghiên cứu bên gia đình nhỏ của mình trong một căn hộ 2 phòng ở Luân Đôn và nó cũng là sự ngây thơ thoáng chút ngạc nhiên của một em bé Đồng Hới khi đứng trước một tấm ván chuồng lợn viết nguệch ngoạc dòng chữ ''Phía trước có bom nổ chậm''...

 "Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề'' đối với tôi là một cuốn sách đặc biệt như thế, nó giống như một người bạn vậy. Tôi đã từng đọc một vài cuốn sách của tác giả là nhà nghiên cứu, như cuốn ''Mùa nắng lịm'' của Eugen Ruge chẳng hạn và tôi phải thừa nhận rằng khả năng quan sát thiên bẩm của họ đã làm cho thế giới trở nên khác lạ.

 Đó là một cuốn sách hay. 

KTS Lê Quang (từ Berlin)