Công ty Thủy điện Bản Vẽ là đơn vị quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ được xây dựng trên dòng sông Nậm Nơn tại xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Đây là thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung với dung tích hồ chứa 1,83 tỷ m3. Bên cạnh nhiệm vụ phát điện, nhà máy còn có nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt đối với vùng hạ du thuộc tỉnh Nghệ An.

Trong tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua, tình hình nắng nóng và khô hạn đã diễn ra trên phạm vi cả nước khiến cho nhiều hồ thủy điện trên cả nước có lưu lượng nước về hồ rất kém so với trung bình nhiều năm, dẫn đến hiện nay hầu hết các hồ chứa thủy điện đều ở mực nước thấp, trong đó, có hồ chứa Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ.
Trước tình hình đó, ngay từ đầu mùa khô năm 2023, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã chủ động làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An, Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An để thống nhất kế hoạch điều tiết cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên tinh thần bảo đảm hài hòa giữa hai mục tiêu cấp nước và phát điện.
Bên cạnh đó, công ty đã phối hợp với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia khai thác tổ máy phát điện đảm bảo lưu lượng cấp nước hạ du theo cam kết và sử dụng hiệu quả nguồn nước qua máy phát điện.
Theo Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An Nguyễn Trường Thành, từ đầu năm 2023 tới nay, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã có 3 đợt xả nước để cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt vùng hạ du. Đặc biệt, giai đoạn cuối tháng 4, khi lúa vụ xuân năm 2023 bước vào thời kỳ trổ bông, là một trong những thời kỳ dùng nước cao điểm.
"Thời điểm đó, mực nước sông Lam xuống thấp, các trạm bơm không hoạt động được, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản về việc vận hành điều tiết nước hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ. Theo đó, trong thời gian từ ngày 22 - 26.4, hàng ngày, hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ đã tăng lưu lượng xả từ 65 m3/s lên 200 m3/s lưu lượng đến hồ. Thời gian từ ngày 27 - 30.4, hồ chứa thủy điện Bản Vẽ vận hành điều tiết nước với tổng lưu lượng xả trung bình không nhỏ hơn 65 m3/s nhằm nâng cao mực nước sông Lam, bảo đảm các trạm bơm có thể bơm nước vào đồng ruộng và đến nay đã cung cấp nước kịp thời cho hạ du, giúp bà con yên tâm sản xuất" - Nguyễn Trường Thành cho hay.

Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ Tạ Hữu Hùng chia sẻ, tính đến 6 giờ ngày 16.5, hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ chỉ đạt 166m, cách mực nước chết 11m, tương ứng với dung tích hữu ích còn lại là 250 triệu m3. Điều này đồng nghĩa với việc công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác vận hành cấp nước hạ du và phát điện trong thời gian tới.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ, thời gian tới với thời tiết cực đoan, không có mưa, mực nước sông Lam có xu hướng giảm. Trong khi mực nước hồ chứa xuống rất thấp, lưu lượng cuối năm tiếp tục có xu hướng giảm thấp.
"Công ty Thủy điện Bản Vẽ sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, kịp thời vận hành điều tiết nước hồ chứa để bà con yên tâm sản xuất, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời làm việc với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia để đưa ra phương án sử dụng nước hợp lý" - Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ nhấn mạnh.
Để chủ động ứng phó với tình trạng khó khăn về nguồn nước trong thời gian tới, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An cũng mong muốn người dân sẽ lựa chọn, bố trí giống cây trồng phù hợp, đối với những vùng thiếu nước, nên chuyển đổi sang cây trồng sử dụng ít nước để tránh lãng phí nước và sử dụng tối ưu lượng nước còn lại trong lòng hồ.
Đối diện với khả năng tháng 5 - 6.2023, là cao điểm nắng nóng dẫn đến phụ tải tăng cao, hệ thống điện nhìn chung sẽ gặp tình trạng rất khó khăn về cung cấp điện, EVN kiến nghị các tỉnh, thành phố tăng cường giải pháp tiết kiệm điện.