Thu hút tư nhân đầu tư vào truyền tải điện:

Cần xác định danh mục hạ tầng lưới điện dùng chung

- Chủ Nhật, 23/01/2022, 06:47 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Luật Điện lực theo hướng thu hút tư nhân đầu tư vào truyền tải điện sẽ tạo môi trường cạnh tranh và minh bạch hơn. Để cụ thể hóa, cần xác định danh mục hạ tầng lưới điện dùng chung và xây dựng cơ chế dùng chung phù hợp với cơ chế thị trường theo định hướng tại Nghị quyết số 55/NQ-TW.

 

Tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch

Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật, gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực từ ngày 1.3.2022. Trong đó, Luật Điện lực 2004 được bổ sung quy định: “Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng”; “đấu nối vào lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật”…

TS. Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, nhìn nhận: quy định trên đã cụ thể hóa được chủ trương, định hướng trong Nghị quyết số 55/NQ-TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoàn thiện hơn hành lang pháp lý để các nhà đầu tư yên tâm. Luật mới cũng bảo đảm quyền kinh doanh cũng như vai trò bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khi quy định “bảo đảm quyền đấu nối của các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực vào lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng”. “Việc thu hút tư nhân tham gia truyền tải điện sẽ tạo môi trường cạnh tranh và minh bạch hơn. Đây cũng là bước đi tất yếu của việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, ông Bình phát biểu.

GS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam bổ sung, thời gian qua, việc xây dựng ồ ạt các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, trong khi hệ thống truyền tải không đáp ứng kịp đã khiến nhà đầu tư bức xúc, gây lãng phí nguồn điện. “Với việc thu hút tư nhân đầu tư vào truyền tải điện chắc chắn sẽ giải quyết tình trạng tắc nghẽn truyền tải này”, ông Long tin tưởng.

Trước mắt ưu tiên dự án cần giải phóng công suất

Thừa nhận việc thu hút tư nhân tham gia đầu tư truyền tải điện là cần thiết, song GS.TSKH Trần Đình Long cho rằng, trước mắt chỉ thích hợp với các dự án năng lượng tái tạo cần giải phóng công suất được đấu nối vào hệ thống truyền tải quốc gia, tức là giải quyết tình trạng ách tắc cục bộ. Bởi lẽ, đầu tư toàn bộ hệ thống truyền tải có chi phí rất lớn, việc bảo quản và vận hành cũng rất phức tạp. Nhà nước cần có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm tiêu chuẩn đấu nối cũng như hạn mức đầu tư, như vậy sẽ không lo ngại việc tư nhân đầu tư truyền tải đẩy giá điện tăng cao.

Theo TS. Đoàn Văn Bình, phát triển truyền tải điện không chỉ là vấn đề đầu tư, tài chính. Một khó khăn rất lớn nữa là chiếm dụng đất. “Có những dự án truyền tải (đường nhánh của các dự án phát điện đấu nối vào lưới truyền tải quốc gia) đi qua những địa bàn mà địa phương đó không được thụ hưởng trực tiếp thì vấn đề giải phóng mặt bằng để có quỹ đất cho lưới truyền tải khó vô cùng. Bộ Công thương chịu trách nhiệm lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia cần làm rõ những điểm nút đấu nối vào lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng khi đáp ứng điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật trong quy hoạch. Đây cũng là ranh giới xác định lưới truyền tải bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia do Nhà nước độc quyền và phần còn lại là các tuyến nhánh đấu nối các nguồn điện kêu gọi đầu tư tư nhân.

Cũng theo ông Bình, vấn đề cần lưu ý nữa là, tách bạch đường dây đấu nối từ nhà máy đến lưới truyền tải quốc gia sẽ đơn giản trong quản lý và vận hành, nhưng đường dây đó chỉ truyền tải được một chiều từ nguồn lên lưới. Đây có thể là sự lãng phí đối với các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo. Trong khi đó, nếu tận dụng được chiều ngược lại để cấp điện cho các phụ tải lân cận bằng cách kết nối với lưới điện địa phương thì sẽ giảm tổn thất trên lưới và tối ưu hóa được lưới điện, giảm quỹ đất. Vì vậy, “cần xác định danh mục hạ tầng lưới điện dùng chung và xây dựng cơ chế dùng chung phù hợp với cơ chế thị trường theo định hướng tại Nghị quyết số 55/NQ-TW”.    

Đan Thanh