Quy hoạch trường đại học phải hiệu quả
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Lan cho rằng Luật GDĐH năm 2012 hiện đang bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần được sửa chữa. “Chúng ta cần quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học (ĐH) sao cho hiệu quả và tiết kiệm nhất để các trường có thể phát huy cao nhất lợi thế so sánh. Tránh trường hợp mở ra quá nhiều trường ĐH trong một khu vực hoặc cùng đào tạo một ngành nghề dẫn đến đào tạo dư thừa, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội” - ĐBQH Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Thị Lan cũng đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, rà soát và quy định lại điều kiện mở ngành. Cần phải xác định một số ngành nghề đặc biệt, nhất là các ngành cần yếu tố kỹ thuật cao, tay nghề thực hành nhiều phải có các quy định chặt chẽ hơn về điều kiện mở ngành như yêu cầu về nguồn nhân lực, về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành, thực tập... “Ví dụ, đối với một số nước như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc để đào tạo bác sĩ thú y đòi hỏi điều kiện rất khắt khe, phải có cơ sở thực hành, thực tập rất tốt. Trong khi đó, ở nước ta chưa có một quy định riêng và vẫn còn dễ dãi trong điều kiện mở ngành này, gây nên nhiều băn khoăn về chất lượng đào tạo bác sĩ thú y ở một số cơ sở đào tạo” - ĐBQH Nguyễn Thị Lan dẫn chứng.
ĐBQH Nguyễn Thị Lan cho rằng, Luật phải cụ thể hóa được chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, trường ĐH là trung tâm của đổi mới sáng tạo để ưu tiên đầu tư nguồn lực cho đúng hướng. “Vì vậy, Luật cần phải thể hiện được quan điểm tự chủ không có nghĩa là để các trường ĐH tự lo, tự bơi. Không phải Nhà nước cắt kinh phí đầu tư mà chỉ thay đổi cách đầu tư sao cho hiệu quả hơn” - ĐBQH Nguyễn Thị Lan kiến nghị.
Cấp ngân sách “đúng nơi, đúng chỗ”
Còn ĐBQH Hoàng Văn Cường bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH khi đã phân định và tách bạch được quản lý nhà nước về GDĐH với quản trị cơ sở GDĐH. Tuy nhiên, ĐBQH Hoàng Văn Cường đề nghị trong luật cần quy định cơ chế thu học phí của các trường ĐH phải dựa trên cơ sở tính giá dịch vụ đào tạo, tức là các trường thu học phí và người học phải nộp học phí nhưng không dựa vào Luật Phí và lệ phí mà phải dựa vào cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí để tạo thành giá dịch vụ đào tạo. “Chỉ có trên cơ sở thu đúng giá dịch vụ đào tạo thì các trường mới có cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo bằng các chương trình giảng dạy chất lượng cao” - ĐB Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng thể hiện sự đồng tình với cơ chế đầu tư ngân sách nhà nước cho các cơ sở GDĐH. Theo đó, ngân sách sẽ được cấp theo cơ chế đặt hàng để xóa bỏ tính dàn trải bình quân như trước đây, từ đó tạo ra cơ chế bình đẳng, cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH công lập với các trường ngoài công lập. “Với cơ chế này, chúng ta khắc phục được tình trạng những trường yếu kém nhưng vẫn được cấp ngân sách, rồi sau đó đào tạo sinh viên ra trường nhưng không làm việc được. Như vậy, không chỉ lãng phí ngân sách nhà nước mà còn lãng phí 4 - 5 năm các em dành thời gian học nhưng không thu được nhiều kết quả” - ĐBQH Hoàng Văn Cường thể hiện quan điểm.
Liên quan đến vai trò, quyền hạn của Hội đồng trường trong quản trị ĐH, ĐB Hoàng Văn Cường lưu ý dự thảo Luật cần phải cân nhắc một số nhiệm vụ khi giao cho Hội đồng trường thực hiện sao cho phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đã được quy định. Do vậy, cần tách bạch rõ hơn công việc của Hội đồng trường, đó là quyết định phương hướng và giám sát với công việc thực thi của Ban giám hiệu.