Làng nghề giúp tăng thêm giá trị sản phẩm nông nghiệp
Làng nghề có quá trình lịch sử phát triển rất lâu đời, với vai trò đóng góp không thể phủ nhận. Để người nông dân có cuộc sống ổn định không chỉ trông chờ vào sản phẩm nông nghiệp đơn thuần, mà còn phải dựa vào làng nghề nông thôn để phát triển cuộc sống gia đình cũng như cộng đồng.
Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển làng nghề: Cân bằng kinh tế và môi trường", GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Chúng ta thường đề cập đến câu chuyện làm sao để người nông dân ly nông không ly hương. Câu trả lời là nếu có làng nghề thì đời sống của họ trong ngắn hạn ổn định hơn, không bị lệ thuộc quá vào hoạt động nông nghiệp vốn ẩn chứa rủi ro, phụ thuộc vào thời tiết, phụ thuộc vào các yếu tố, kể cả biến động thị trường.
Làng nghề còn giúp làm tăng thêm cả giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Vì nếu không có sản phẩm làng nghề, thì có khi quá nhiều sản phẩm nông nghiệp thuần túy xuất hiện không thể tạo ra giá trị gia tăng cho chính nông sản thuần tuý đó.
Điển hình hiện nay của câu chuyện làng nghề chính là phong trào phát triển các sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm OCOP đã có chỗ đứng vững vàng trên thị trường, tiêu biểu là nhóm sản phẩm kỹ nghệ, mỹ nghệ đòi hỏi thẩm mỹ cao và có thế mạnh cạnh tranh. Với những ý nghĩa như vậy, thì sứ mệnh và sức sống của làng nghề chắc chắn rất mạnh mẽ.
Sự kết tinh, mang giá trị cao về văn hóa, nghệ thuật
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, ở một cách tiếp cận khác, sản phẩm làng nghề hôm nay không chỉ là sản phẩm vật chất đơn thuần, mà đã trở thành những sản phẩm kết tinh, mang giá trị cao về văn hóa và nghệ thuật. Và do vậy giá trị mang lại không đơn thuần là yếu tố vật chất, mà đã được nâng lên thành giá trị nghệ thuật. Nhiều làng nghề đã được định hướng phát triển theo hướng văn minh, môi trường trong sạch còn đang trở thành điểm thu hút du khách, phát triển du lịch thương mại, mang thêm về giá trị gia tăng cho người dân tại chỗ.
Bên cạnh đó, GS.TS. Hoàng Văn Cường cũng đề cập đến vấn đề đang lo ngại là ô nhiễm khu vực làng nghề, trong đó, câu chuyện ô nhiễm không khí, nguồn nước nông thôn ở những nơi có làng nghề đều tương đối căng thẳng.
Ví dụ như những dòng sông của Hà Nội – vốn là nơi tạo cảnh quan đẹp, đặc trưng của Thủ đô, tạo ra sức hấp dẫn của đô thị, lại đang bị nhiều khu vực sản xuất thải ra, gây ô nhiễm cho vùng hạ lưu. Như vậy, từ sự hấp dẫn thì sự ô nhiễm xuất phát từ làng nghề lại chuyển thành lực cản cho sự phát triển của Thủ đô và đương nhiên đi ngược lại xu thế của thế giới là đi vào kinh tế xanh.
GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng: "Nếu chúng ta không giải quyết được ô nhiễm làng nghề, những vấn đề môi trường thì rất có thể sản phẩm từ các làng nghề chưa chắc đã đạt tiêu chuẩn để đặt chân vào những thị trường của các nước phát triển vốn có rào cản kiểm soát rất mạnh mẽ."
Cần tách riêng làng nghề thành không gian phát triển độc lập để đầu tư về hạ tầng đồng bộ, bài bản, xử lý hoạt động gây ô nhiễm. Ngoài ra, việc tách riêng cụm công nghiệp, làng nghề còn tạo ra không gian chung trong việc giới thiệu sản phẩm như: trưng bày, trình diễn quá trình sản xuất... Và như vậy còn tạo nên một không gian văn hóa cho sản phẩm làng nghề, phục vụ trực tiếp việc tiêu thụ và hoạt động du lịch cũng như quảng bá.
GS.TS. Hoàng Văn Cường,
Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội