Quy mô nhỏ, thiếu kết nối
Ở nước ta hiện nay, kinh tế ban đêm đã hình thành ở nhiều đô thị du lịch lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc… với một số hoạt động phổ biến như khu chợ đêm, chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, tuyến phố đi bộ hoặc tuyến phố ẩm thực như Tạ Hiện (Hà Nội) hoặc Bùi Viện (TP. Hồ Chí Minh).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những đóng góp đáng ghi nhận vào nguồn thu ngân sách; một số hoạt động kinh tế ban đêm trở thành nét văn hóa quen thuộc, đặc trưng của địa phương và là địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch thì việc phát triển kinh tế ban đêm cũng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Đó là sản phẩm, dịch vụ kinh tế ban đêm tại hầu hết địa phương còn đơn điệu, chưa đa dạng, chủ yếu là ẩm thực, mua sắm mà chưa có nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật, các chợ đêm hay khu phố đêm cũng chưa thực sự ấn tượng. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, giải trí chưa tạo được sân chơi để tăng tính trải nghiệm của du khách. Các dịch vụ hầu hết có quy mô trung bình và nhỏ, chưa có sự kết nối với nhau để tạo ra nhiều chương trình hấp dẫn du khách. Các tỉnh, thành mới chú trọng phát triển kinh tế ban đêm tại địa phương mình mà chưa có sự liên kết với địa phương liền kề (như Đà Nẵng và Huế).
Bên cạnh đó, thời gian hoạt động kinh tế ban đêm còn ngắn. Là một trong những địa phương đi đầu về phát triển kinh tế ban đêm trong cả nước nhưng Hà Nội cũng mới chỉ có khu vực phố cổ cho phép kinh doanh tới 2 giờ sáng hay mở chợ đêm trên các tuyến phố vào cuối tuần. Ở các thành phố khác, khung giờ cho các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí, mua sắm đêm vẫn áp dụng quy định phải dừng trước 11 giờ đêm.
Điều đáng nói, về quản lý nhà nước, các địa phương đều chưa có cơ quan hay bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động kinh tế ban đêm, trong khi đây là mô hình mới, có nhiều tác động đến kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Về không gian, các địa phương cũng chưa quy hoạch khu vực riêng dành cho phát triển kinh tế ban đêm, một số dịch vụ còn xen lẫn với khu dân cư, sử dụng không gian công cộng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân.
Cân bằng giữa lợi ích và mặt trái
Kinh tế ban đêm phát triển sẽ góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội. Song kinh tế ban đêm cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, điều hành bởi nó đi liền với các vấn đề về an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Do đó theo PGS.TS. Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh tế ban đêm cần đảm bảo cân bằng giữa lợi ích và những mặt trái tiềm ẩn thông qua việc quy định rõ giấy phép hoạt động, loại hình kinh doanh; khu vực kinh doanh, khu vực hạn chế; thời gian hoạt động, giờ giới nghiêm; tiêu chuẩn hoạt động (tiếng ồn, ánh sáng); chính sách về an ninh, trật tự… Đối với các ngành giải trí mang tính nhạy cảm như karaoke, vũ trường, casino…, một mặt cần xem xét nới lỏng các điều kiện kinh doanh, nhưng mặt khác cần bổ sung chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an ninh công cộng, vệ sinh an toàn thực phẩm; các hành vi gian lận; hành vi cấu thành tội phạm... để đảm bảo quyền lợi và an toàn cho cả du khách và người dân.
Đồng thời, để tạo điều kiện cho các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch, Chính phủ cần phân quyền cho chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch và có các chính sách cụ thể phát triển kinh tế ban đêm tại địa phương, trong đó bao gồm quyền thành lập tổ chức chuyên trách về quản lý kinh tế ban đêm. Cần bổ sung vào quy hoạch chung xây dựng đô thị phân khu đặc biệt “Kinh tế đêm” tương đối biệt lập với các khu dân cư tập trung. Trong quá trình quy hoạch cần tham khảo ý kiến cộng đồng để có những điều chỉnh phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của kinh tế ban đêm đến đến cuộc sống của người dân địa phương.
Đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp đề xuất, về lâu dài có thể nghiên cứu ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm những vấn đề mới để thúc đẩy kinh tế ban đêm phát triển hơn nữa. Theo đó, Nghị quyết sẽ quy định chung về khung thời gian hoạt động; tổ chức chuyên trách và vấn đề biên chế của bộ máy quản lý hoạt động kinh tế ban đêm tại địa phương, tổ chức lực lượng cảnh sát du lịch; giao Chính phủ quy định chi tiết, quy định về vấn đề ưu đãi thuế hoặc lồng ghép vấn đề phát triển kinh tế ban đêm trong quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng, ngành, tỉnh…