Theo các ĐBQH, sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa năm 2001 được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung (năm 2009), sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo Nhân dân ở khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, với những thành tựu đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động của xã hội; đồng thời điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Theo đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang), có 13 hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 Dự thảo Luật. Tuy nhiên, nhằm tránh các hành vi khác có thể xảy ra mà dự án Luật chưa quy định được cụ thể, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định thành 1 khoản trong điều, cụ thể: “Các hành vi khác gây thiệt hại, ảnh hưởng đến hoạt động di sản văn hóa”.
Tại Khoản 7 Điều 8, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa theo hướng: “Tự ý tìm kiếm, trục vớt các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia còn chìm đắm dưới nước trong khu vực bảo vệ di tích, khu vực di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh” cho đầy đủ. Bởi, có nhiều trường hợp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được vô tình phát hiện, trục vớt khi người dân hoạt động sản xuất, sinh hoạt.
Dự thảo Luật cũng đưa ra 4 trường hợp được xác định có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa của di tích tại Khoản 2, Điều 28. Quy định như trên là chưa đầy đủ và khó thực hiện. Do đó, Ban soạn thảo nên bổ sung thêm 1 điểm vào Khoản 2, cụ thể: “e) Có nguy cơ che khuất tầm nhìn đối với di tích; nguy cơ sạt lở, sụt lún đất, công trình xây dựng trong di tích, danh lam thắng cảnh”. Đại biểu Lý Thị Lan cũng đề nghị, sau khi Luật được thông qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện bảo đảm thống nhất.
Một số ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần cân nhắc việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hoá. Bởi, thực tế hiện nay một số quỹ ngoài ngân sách không phát huy được hiệu quả, không huy động được bất cứ nguồn lực nào vào quỹ. Bên cạnh đó, sẽ làm phình bộ máy, phân tán nguồn lực ngân sách Nhà nước…
Dẫn chứng cụ thể, các đại biểu cho hay, Quỹ phát triển du lịch hiện nay đã được bổ sung 300 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước. Một quỹ ngoài ngân sách nhà nước nhưng cuối cùng lại huy động ngân sách Nhà nước vào quỹ thì có đúng với mục đích thành lập hay không. Do đó, cần nhắc về việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Thay vì quy định về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa thì nên rà soát thật kỹ những nhiệm vụ nào cấp bách mà Nhà nước chưa bố trí được ngân sách hoặc bố trí chưa đủ thì xây dựng trong chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa sẽ hợp lý hơn.