Mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công

- Thứ Hai, 23/11/2020, 07:56 - Chia sẻ
Hoạt động khuyến công trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2014 - 2020 với tổng kinh phí 13,1 tỷ đồng đã tạo được bước biến chuyển rõ rệt trong các cơ sở công nghiệp nông thôn. Để hoạt động khuyến công trong giai đoạn tới đạt hiệu quả cao hơn, Sở Công thương Đà Nẵng cho rằng, Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về hoạt động khuyến công cần được sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng.

Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đà Nẵng (Trung tâm) cho biết, hiệu quả nổi bật của Chương trình khuyến công giai đoạn 2014 - 2020 chính là hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đây là chương trình được thực hiện nhiều nhất, chiếm gần 40% kinh phí khuyến công quốc gia và gần 60% kinh phí khuyến công địa phương vì phù hợp với nhu cầu của các địa phương, doanh nghiệp.

Cụ thể, năm 2019, Trung tâm hỗ trợ 500 triệu đồng để Công ty TNHH Sức Trẻ cải tạo và lắp đặt hệ thống cấp hơi nhiều đoạn. Khi chạy thử hệ thống, theo kết quả định lượng, tất cả chỉ tiêu đặt ra cho đề án đều đạt và vượt. Năng suất máy sấy tăng từ 15 - 17% so với khi chưa lắp đặt hệ thống, lượng hơi thất thoát giảm rõ rệt. Lượng nhiên liệu giảm trung bình 1.080 tấn/năm. Toàn dây chuyền vận hành tự động 100% giúp năng suất sản phẩm tăng hơn 1.307 tấn/năm. Với thành công này, Đà Nẵng trở thành địa phương duy nhất cả nước triển khai thành công mô hình thí điểm đầu tiên về ứng dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. 

Đầu tháng 10 vừa qua, Trung tâm cũng đã tổ chức mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bún theo quy trình khép kín và bàn giao hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị đợt 2 năm 2020. Là đơn vị thụ hưởng 300 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công, Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Đại Cường đã đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất bún sạch với tổng kinh phí 1,58 tỷ đồng. Ông Hồ Phước Cường, đại diện Công ty chia sẻ: Sản xuất bún tươi theo quy trình khép kín cho ra sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh và tăng năng suất (tối đa 5.000kg bún/ngày). Cùng với đó, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm, doanh nghiệp đã có cơ hội tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài nước, sản phẩm được quảng bá rộng rãi, thị trường tiêu thụ mở rộng ra các nước.

Chọn mô hình điểm để nhân rộng

Tại hội nghị tổng kết Chương trình khuyến công giai đoạn 2016 - 2020 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đánh giá cao nỗ lực của Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đà Nẵng cùng với các địa phương trong việc hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn thời gian qua. Tuy vậy, theo ông Minh, sức lan tỏa của các đề án khuyến công trong cộng đồng chưa nhiều; còn ít đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, đề án xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn, đề án đào tạo nghề…

Giám đốc Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại Đà Nẵng Lê Thanh Hạ chia sẻ, vốn khuyến công đã hỗ trợ đắc lực cho các đề án, từ đó tạo được động lực cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư trang thiết bị kỹ thuật. Ông Hạ đề xuất thời gian tới, Cục Công thương địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các văn bản khuyến công, thống nhất nội dung chương trình từ Trung ương đến địa phương; đồng thời đánh giá, tổng kết để chọn ra những mô hình điểm, qua đó nhân rộng trong cả nước. Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều chương trình hỗ trợ cho các hợp tác xã cùng cơ sở công nghệ thông tin vừa và nhỏ phát triển.

Giai đoạn 2021 - 2025, Sở Công thương Đà Nẵng đặt mục tiêu hỗ trợ khoảng 300 lượt học viên tham gia các khóa tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp. Đồng thời hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, hỗ trợ sửa chữa nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp và tại các cơ sở công nghiệp nông thôn; cùng với đó, hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho khoảng 30 đơn vị, xây dựng 5 - 6 mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ xây dựng 7 - 10 mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng máy móc và chuyển giao công nghệ cho 70 - 80 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn, sản xuất sản phẩm lưu niệm...

Để hoạt động khuyến công trong giai đoạn tới được triển khai có hiệu quả, Sở Công thương Đà Nẵng cho rằng, Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về hoạt động khuyến công cần được sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng với các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong các cụm công nghiệp làng nghề. Bên cạnh đó, không giới hạn đối tượng phải thuộc địa bàn huyện, thị xã, thị trấn, xã và các phường thuộc thành thành phố loại 2, loại 3, các phường thuộc thành phố loại 1 được chuyển đổi từ xã chưa quá 5 năm đối với nội dung hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Cũng theo Sở Công thương Đà Nẵng, cần thiết sớm ban hành danh mục, định mức dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực khuyến công để các địa phương căn cứ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật nhằm cân đối nguồn thu hoạt động tự chủ theo lộ trình của đơn vị.

Hạnh Nhung