Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Cần hoạt động tư vấn trực tiếp

- Thứ Năm, 30/12/2021, 06:26 - Chia sẻ
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bằng cách tư vấn trực tiếp gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp như tư vấn ký kết hợp đồng kinh tế, giải quyết quan hệ lao động… là cách đưa pháp luật đến với doanh nghiệp nhanh nhất, thuận tiện nhất.
Bàn giải pháp nâng cao chất lượng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Vướng từ chính quy định

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho rằng, thời gian vừa qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ pháp lý nói riêng. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai công tác này, vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều khi vướng mắc lại từ chính những quy định của pháp luật đến khâu tổ chức triển khai, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Trưởng Phòng Văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang Dương Văn Chung cho biết, hiện tỉnh có 12.150 doanh nghiệp đăng ký thành lập (gồm 11.670 doanh nghiệp trong nước; 480 doanh nghiệp nước ngoài). Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% tổng số doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn vẫn còn khó khăn xuất phát từ các quy định pháp luật còn nhiều bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn. Cùng với đó, quá trình tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng còn gặp nhiều vướng mắc trong công tác phối hợp liên ngành, tổ chức triển khai.

Đồng tình với ông Chung, bà Lê Thị Hoàng Thanh, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp nêu dẫn chứng, chỉ riêng trong lĩnh vực hợp đồng đã có 161 văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Hệ thống văn bản này, còn có sự chồng lấn, chưa rõ ràng về phạm vi điều chỉnh giữa các đạo luật và sự trùng lặp giữa các quy định pháp luật. Đặc biệt, một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực cụ thể còn quy định khác với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về hợp đồng. Với hệ thống văn bản này đến các chuyên gia pháp luật khi tiếp cận còn khó khăn, chứ nói gì đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Kết hợp hỗ trợ và tư vấn

Gắn trách nhiệm của người đúng đầu trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là ý kiến của đại diện nhiều địa phương đề cập tới. Trưởng phòng Văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang Dương Văn Chung cho rằng, bên cạnh việc gắn trách nhiệm người đứng đầu thì Bộ Tư pháp cần phối hợp với các bộ, ngành Trung ương rà soát, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xử lý những nội dung văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập. Qua đó, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm tính ổn định, lâu dài, phục vụ cho quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đồng tình với ông Dương Văn Chung, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2030 Trần Minh Sơn cho rằng, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, Bộ Tư pháp cần rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật và trình Chính phủ thống nhất mức hỗ trợ kinh phí cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật; đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình vận hành mạng lưới tư vấn pháp luật.

Ở góc nhìn khác, Thạc sĩ Phan Vũ, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp chia sẻ, kinh nghiệm của các nước cho thấy, cần phải kết hợp hoạt động hỗ trợ pháp lý với tư vấn tổ chức, vận hành doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động tư vấn trực tiếp.

Thực tế cho thấy, hoạt động tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua việc tư vấn hợp đồng kinh tế, giải quyết mâu thuẫn lao động… là cách đưa pháp luật đến với doanh nghiệp nhanh nhất, thiết thực. Chẳng hạn, trong bối cảnh Covid-19 kéo dài, việc thực hiện các đơn hàng bị ảnh hưởng, doanh nghiệp sẽ cần nhiều đến những thông tin xử lý trách nhiệm hợp đồng khi xảy ra những tình huống dịch bệnh, thiên tai; hay việc giải quyết các mâu thuẫn trong bối cảnh giãn cách sẽ được thực hiện thông qua hình thức trực tuyến, vậy việc lưu giữ các chứng từ, dữ liệu sẽ được thực hiện như thế nào?. Doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể từ mạng lưới hỗ trợ viên pháp luật ở các sở, ngành.

Điều đáng nói, thông qua hoạt động tư vấn, cơ quan chức năng có thể nắm bắt được nhu cầu trợ giúp pháp lý của doanh nghiệp, từ đó có sự điều chỉnh trong khâu triển khai như tổ chức các khóa tập huấn, trao đổi kiến thức pháp luật (những nội dung doanh nghiệp cần), hội nghị đối thoại chuyên đề cũng như cập nhật các quy định mới liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, như xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng 1 cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; cung cấp các chính sách, đề án, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương; tiếp nhận 100% phản ánh từ doanh nghiệp nhỏ và vừa để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vướng mắc, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.

Quyết định 81/QĐ-TTg năm 2021 về phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025

Phạm Hải