Cần gói hỗ trợ thứ 2 để phục hồi và tăng trưởng

- Thứ Năm, 21/01/2021, 08:33 - Chia sẻ
Giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam có thể tăng trưởng 6,3% - 6,8%/năm, dự báo này được nêu tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021 - 2025: Phục hồi và tăng tốc" ngày 20.1. Cũng tại đây, có ý kiến cho rằng trong ngắn hạn, Chính phủ cần có gói hỗ trợ thứ 2 hướng đến mục tiêu phục hồi và tăng trưởng.

Năm 2021 có thể tăng trưởng 6,72%

Tại hội thảo, Phó Giám đốc, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) Đặng Đức Anh đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho năm 2021.

Ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục và đại dịch Covid-19 dần được khống chế thì tốc độ tăng trưởng có thể đạt 6,17%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 3,8%.

Ở kịch bản khả quan, tăng trưởng đạt 6,72% và CPI bình quân khoảng 4,2% trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm nay. Cùng với đó, tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại, luồng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước sẽ nhanh chóng khởi sắc trở lại.

Về giai đoạn 2021 - 2025, NCIF dự báo theo hai kịch bản. Theo kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 6,3%/năm nếu các nguy cơ về dịch Covid-19 vẫn thường trực và những giải pháp trợ giúp nền kinh tế của Chính phủ mang lại hiệu quả ở mức vừa phải. Ở kịch bản khả quan, tốc độ tăng trưởng trung bình có thể đạt gần 6,8%/năm, nền kinh tế mặc dù có điều chỉnh giảm nhẹ sau mức tăng trưởng cao năm 2021, nhưng sau đó sẽ hồi phục ổn định.

Trong ngắn hạn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu cho rằng cần có gói hỗ trợ thứ hai hướng đến 2 mục tiêu phục hồi và tăng trưởng. Với mục tiêu phục hồi, Chính phủ nên tập trung chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng cần tránh những chính sách gây tác động ngược; đồng thời phải xác định đối tượng chính xác hơn và dựa theo kết quả đầu ra để tránh tâm lý “sống nhờ” vào gói trợ cấp của Chính phủ. Đối với mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ nên tập trung đầu tư công có trọng điểm, hướng tới lợi ích của toàn dân như giáo dục, y tế và những hạ tầng kinh tế ưu tiên cho sản xuất kinh doanh.

Áp dụng bài học chống Covid-19 trong kinh tế

Tuy vậy, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, thể chế mới là trụ cột lớn nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Một doanh nghiệp ngoài chi phí kinh doanh đang phải gánh trên lưng ít nhất 6 loại chi phí đã tạo ra nhiều rủi ro và chi phí cơ hội khiến doanh nghiệp có thể bị đào thải khỏi thị trường”, ông Hiếu cho biết.

Cũng theo ông Hiếu, thời gian qua, nhiều chương trình cải cách thủ tục hành chính đã được thực thi nhưng bãi bỏ thủ tục này lại mọc ra thủ tục khác, hoặc chỉ thay đổi câu từ diễn đạt. Do đó, “cần có cơ quan giám sát chuyên nghiệp, độc lập và có đủ thẩm quyền để thực hiện rà soát, bãi bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính thay vì cơ chế tự thân, tức là người ban hành văn bản lại tự rà soát, tự sửa đổi, tự cải cách, như hiện nay. Có như vậy cải cách thể chế mới bền vững”.

“Trong 5, 10 năm qua, Việt Nam có nhiều chính sách hay, chủ trương tốt nhưng không được thực hiện hoặc thực hiện chưa đến nơi đến chốn nên mọi thứ đều dở dang và 10 năm sau vẫn cứ nhắc lại những đột phá của 10 năm trước”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận. Khẳng định Việt Nam thành công trong phòng, chống dịch bệnh là nhờ tập trung cao nguồn lực và ý chí của toàn dân, minh bạch thông tin và có sự tương tác giữa Nhà nước với xã hội nên tạo được niềm tin và đồng thuận cao, bà Lan cho rằng “cách làm này cần được thực hiện trong các vấn đề kinh tế”.  

Để Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19, bà Wiesen, đại diện Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đề xuất 4 hành động cụ thể. Đó là tăng tốc độ tăng trưởng nhanh của các mặt hàng xuất khẩu chế tạo, đây là động lực chính tạo ra việc làm bền vững, tăng năng suất và thu nhập. Cùng với đó, bảo đảm hài hòa cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường bằng cách chuyển đổi nền kinh tế, bao gồm cả sản xuất và tiêu dùng, theo hướng tăng trưởng xanh và tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, phát triển thị trường vốn trong nước và nâng cao hiệu lực và hiệu quả sử dụng tất cả các nguồn lực tài chính phát triển để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Cuối cùng là tiếp tục áp dụng phương pháp quản trị 3A (gồm dự đoán, thích ứng và nhanh nhạy) để tạo môi trường thuận lợi cho việc thử nghiệm và tạo ra các giải pháp sáng tạo của và do người dân cũng như các tổ chức ở Việt Nam triển khai.

Tuệ Anh