20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em thế giới 2023, sáng 28.11, bà Rana Flower, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, kết quả điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam mới nhất nêu bật thực tế đáng lo ngại: nhiều trẻ em, vị thành niên và thanh niên đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần, và các em còn thiếu các kỹ năng ứng phó, hỗ trợ cần thiết và các dịch vụ quan trọng liên quan đến phúc lợi tổng thể của mình.
Báo cáo điều tra còn cho thấy 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và chỉ 8,4% các em đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho những vấn đề về cảm xúc và hành vi. Hơn nữa, chỉ 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con của mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi.
Sức khỏe tâm thần cũng là vấn đề mà những người trẻ tuổi quan tâm. Đầu năm nay, UNICEF Việt Nam đã tham khảo ý kiến mạng lưới thanh thiếu niên cộng tác với UNICEF (U-report) về những vẫn đề mà trẻ em, vị thành niên và thanh niên quan tâm nhiều nhất. Đa số người tham gia chọn vấn đề "sức khỏe tâm thần", kêu gọi sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ hơn, đề nghị UNICEF dành Ngày Trẻ em 2023 để tăng cường và bảo vệ sức khỏe tâm thần.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Ngày Trẻ em thế giới hằng năm là thời điểm toàn thế giới hướng về trẻ em, tiến hành các hoạt động “vì trẻ em, bởi trẻ em”. Đây là ngày hành động để vận động chính sách, vận động xã hội và nâng cao nhận thức về các vấn đề cấp bách nhất mà trẻ em đang phải đối mặt.
Ngày Trẻ em thế giới năm nay với chủ đề chính là Nâng cao sức khỏe tâm thần tích cực, nghĩa là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em, thông qua sự kết nối giữa trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, thầy cô giáo, cộng đồng và xã hội. Vấn đề này đã và đang được Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm, nhất là sau đại dịch Covid-19, trẻ em và thanh thiếu niên phải gánh chịu những tác động tiêu cực của Covid-19, đặc biệt về sức khỏe tâm thần.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn các bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức cần quan tâm hơn và hành động tích cực để nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em với các giải pháp thiết thực và bền vững. Cụ thể là tăng cường truyền thông, giáo dục các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em. Kiện toàn các dịch vụ và triển khai can thiệp về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em. Bổ sung các quy định của luật pháp và chính sách liên quan.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển nghề công tác xã hội, trong đó có đội ngũ làm công tác hỗ trợ tâm lý xã hội trẻ em; tăng cường công tác tâm lý, tham vấn học đường, kết nối dịch vụ y tế cũng như sự phối hợp giữa các ngành, cơ quan, tổ chức trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em.
Hoàn thiện chính sách, tạo dựng môi trường sống an toàn
“Tôi có người bạn nói rằng con gái anh bị mất ngủ, lo âu, muốn tìm chuyên gia tâm lý nhưng không biết tìm ở đâu, nhờ tôi tìm vì tôi làm trong ngành. Gia đình rất lo lắng, tôi nói rằng anh phải thấy mừng vì con đã tự phát hiện ra vấn đề và tìm dịch vụ. Em đó đi du học nên muốn tìm một chuyên gia tâm lý nói tiếng Anh. Tôi đã tìm được một chuyên gia tâm lý cho em đó, nhưng giá rất cao, 100 USD/giờ. Một phác đồ gồm buổi khám sàng lọc, 10 buổi trị liệu, ít nhất phải có 2 liệu trình như vậy, tổng chi phí ước tính khoảng 2.000 USD, gia đình chỉ làm hết liệu trình 1, sau đó bỏ cuộc” - ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em kể.
Ông Nam cho biết, nhìn chung các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam đang khá lộn xộn, nhiều gia đình không tìm kiếm được dịch vụ tin cậy khi có vấn đề, đặc biệt là với trẻ em.
Trước "khoảng trống" về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, ông Đặng Hoa Nam cho biết, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất và được Chính phủ chấp nhận, khoảng tháng 12 tới, Đề án về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, cần tiếp cận chăm sóc sức khỏe tâm thần ở hai chiều cạnh.
Thứ nhất, cần đưa vấn đề khuyết tật về tâm thần vào chính sách an sinh xã hội. Hiện nay rất khó xác định khuyết tật như là một dạng tật về sức khỏe tâm thần, để đưa ra chính sách tốt hơn. Trong quá trình sửa đổi quy định về bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ lên tiếng về vấn đề này.
Thứ hai là tăng cường tạo dựng môi trường sống an toàn, phòng chống xâm hại và bạo lực trẻ em. Qua nghiên cứu, tiếp nhận thông tin và qua Tổng đài 111, những tác động của hành vi xâm hại trẻ em để lại di chứng rất khó khắc phục, gây sang chấn tâm lý và sức khỏe tâm thần cho mỗi đứa trẻ. Trong số những ca tổng đài tiếp nhận, tham vấn, trị liệu chuyển tuyến, tới 60% nhu cầu tiếp tục trị liệu, chăm sóc sức khỏe tâm thần. Nếu làm tốt việc phòng ngừa, tháo gỡ sớm nguy cơ trẻ bị bạo lực, xâm hại, kể cả bạo lực tâm lý trong gia đình và ngoài xã hội, sẽ tạo ra mạng lưới an toàn, giúp trẻ tránh được vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vừa có Quyết định số 3854/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt Tài liệu truyền thông về sức khỏe tâm thần của học sinh phổ thông. Tài liệu này được sử dụng làm tài liệu truyền thông để nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe tâm thần của học sinh cho cán bộ y tế trường học, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh. Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT cũng được phê duyệt, quy định mỗi trường học, từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông được bố trí 1 người vào vị trí việc làm tư vấn học sinh.
Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Bộ cũng đang hoàn thiện Đề án Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2023 - 2030, trình Chính phủ trong tháng 12, nhằm tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sự hợp tác giữa các ngành từ trung tương đến địa phương, củng cố hệ thống y tế và xã hội đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các lứa tuổi, trong đó có trẻ em…
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhiều người kỳ vọng sẽ có những can thiệp sớm, đưa ra chiến lược phù hợp để xây dựng được kỹ năng nâng cao khả năng phục hồi, tăng cường sức khỏe tâm thần cho trẻ em.