Hà Nội xử lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai

Cần cơ chế phối hợp liên ngành

- Thứ Tư, 16/06/2021, 07:02 - Chia sẻ
Theo thống kê của UBND TP. Hà Nội, hiện còn 56 dự án vẫn chưa được khắc phục dứt điểm các vi phạm theo kiến nghị giám sát của HĐND thành phố từ năm 2012. Đáng chú ý, đến tháng 3.2021, trong số 22 dự án có quyết định thu hồi đất, vẫn còn 18 dự án chưa thực hiện thu hồi. Thực tế cho thấy, việc tổ chức xử lý các dự án chậm triển khai là một bài toán khó, rất cần có cơ chế phối hợp liên ngành.

Đó là nội dung được nhấn mạnh tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP. Hà Nội với đại diện các sở, ngành về kết quả tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn vừa qua.

Thông qua tái giám sát, Thường trực HĐND thành phố đã phát hiện thêm 45 dự án chậm triển khai phát sinh
Ảnh: P.Long

Các sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm

Tại buổi làm việc, Thường trực HĐND thành phố ghi nhận: UBND thành phố đã vào cuộc nhanh, quyết liệt ngay sau các đợt giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND thành phố. Các sở, ngành cũng đã chủ động tham mưu, giúp UBND thành phố rà soát đánh giá toàn bộ nội dung HĐND thành phố kiến nghị. Tuy nhiên, về cơ bản thành phố mới kiểm tra, thanh tra, rà soát mà chưa xử lý các dự án trên thực tiễn.

Theo Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân, việc xử lý các dự án chậm triển khai là một bài toán khó, nếu để riêng một ngành tham mưu theo chức năng, nhiệm vụ của mình thì không thể nào thực hiện được. Muốn giải quyết vấn đề, thành phố cần có cơ chế phối hợp liên ngành. Ông Quân kiến nghị UBND thành phố cần thành lập một tổ công tác liên ngành đi sâu vào từng quận, huyện, từng dự án cụ thể để tìm biện pháp xử lý tổng thể. Đặc biệt, UBND thành phố phải có trách nhiệm xem xét, phân loại cụ thể từng dự án để xác định nguyên nhân chậm trễ. Trên cơ sở đó, có kế hoạch, lộ trình, biện pháp xử lý đúng quy định.

Đồng quan điểm, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga nhấn mạnh: Qua rà soát cho thấy, việc hướng dẫn, đôn đốc của các sở quản lý chuyên ngành giải quyết thủ tục cho nhiều dự án chưa thực sự nghiêm túc, kịp thời. Điều này cho thấy các sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm; làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng đất. Đây là hệ quả tất yếu khiến nhiều dự án chậm triển khai. Vì vậy, việc xem xét thành lập Tổ công tác liên ngành để rà soát, có hướng xử lý cụ thể với từng dự án hết sức cần thiết. "Đặc biệt, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đề xuất sau 1 năm nữa, Thường trực HĐND thành phố sẽ tiếp tục tái giám sát về nội dung này", bà Hồ Vân Nga cho biết thêm.

Thể hiện rõ quan điểm với từng dự án

Theo thống kê của UBND thành phố, kể từ thời điểm HĐND thành phố đưa ra kiến nghị giám sát đối với các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai (năm 2012) đến nay, vẫn còn 56 dự án chưa được khắc phục dứt điểm các vi phạm. Đáng chú ý, tại thời điểm tái giám sát mới đây (tháng 3.2021), trong số 22 dự án có quyết định thu hồi đất vẫn còn 18 dự án chưa thực hiện việc thu hồi trên thực tế. Còn đối với 383 dự án chậm triển khai giai đoạn 2012 - 2017 đã được HĐND thành phố kiến nghị xử lý, vẫn còn 293 dự án tiếp tục chậm triển khai hoặc có các vi phạm.

Đặc biệt, trong số 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ năm 2018, vẫn còn 37 dự án chậm nộp tiền sử dụng đất với số tiền gần 2.000 tỷ đồng. Qua tái giám sát, Thường trực HĐND thành phố còn phát hiện thêm 45 dự án chậm triển khai phát sinh sau khi HĐND thành phố giám sát vào tháng 7.2018 đến tháng 3.2021.

Trước những con số "biết nói" nêu trên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Trưởng đoàn giám sát thẳng thắn đánh giá, công tác quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Thủ đô còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục, tháo gỡ kịp thời. "Thậm chí, qua rà soát cho thấy, con số dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thủ đô không những không dừng lại mà còn tăng lên so với trước. Không ít bất cập trong các quy định, chính sách, pháp luật cùng với sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan đã đặt ra những "bài toán" nan giải đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị, ngay sau khi báo cáo giám sát được ban hành, tất cả các ngành cần trực tiếp "xắn tay" vào cuộc giải quyết. Trong đó, Cục Thuế Hà Nội có trách nhiệm rà soát báo cáo cụ thể toàn bộ danh mục dự án chậm, nợ đọng và lý do, nguyên nhân, kiến nghị giải pháp giải quyết. "Trên cơ sở ý kiến của Cục Thuế, một năm sau, Thường trực HĐND thành phố sẽ tái giám sát và có thái độ xử lý kiên quyết, triệt để với những dự án chậm. Trong đó, có cụ thể cá nhân cán bộ liên quan để xảy ra sự trì trệ của dự án", Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh.

Đối với hơn 300 dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai tính đến tháng 4.2021, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà đề nghị: Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, cập nhật thông tin thông số, nêu trích ngang của từng dự án. Trong đó, phân tích nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan và biện pháp xử lý. Trên cơ sở rà soát tổng thể, Sở Tài chính cần có ý kiến với từng dự án về quan điểm, biện pháp xử lý năng lực tài chính... Riêng đối với một số dự án để tính tiền sử dụng đất rất chậm, cần tham mưu rõ chậm ở đâu, để tránh tiếp tục kéo dài dự án.

"Thực tế, các quận huyện rất kiên quyết trong xử lý các dự án chây ì thiếu hợp tác nhưng các sở, ngành của thành phố lại chưa quyết liệt, chưa đề xuất giải pháp giải quyết cụ thể. Vì vậy, thành phố cần vào cuộc tích cực hơn nữa, nhất là phải thể hiện rõ quan điểm với từng dự án", Phó Chủ tịch HĐND thành phố chỉ rõ "nút thắt" cần tháo gỡ.

PHI LONG