Quan tâm giải quyết các vấn đề có thể phát sinh
Bày tỏ nhất trí cao với việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, các ĐBQH tại Tổ 13 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk) cho rằng, việc thành lập có đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết này là bước thể chế hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết, kết luận quan trọng khác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Các đại biểu đánh giá, trình tự thủ tục thực hiện việc lập Đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương đã bảo đảm quy định của pháp luật. Trong đó, Đề án đã được lấy ý kiến cử tri và ý kiến của HĐND ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao (tỷ lệ cử tri tán thành đạt 98,67%, tỷ lệ đại biểu HĐND các cấp tán thành cơ bản đạt 100%).
Các ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh), ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk), ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang)... lưu ý, việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương sẽ tác động lớn đến tâm tư, tình cảm của người dân và các tác động về kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước trên địa bàn. Do đó, cần hết sức quan tâm giải quyết các vấn đề có thể phát sinh nhằm đáp ứng được yêu cầu.
Trong đó, về xã hội và môi trường, việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương kéo theo quá trình đô thị hóa sẽ dẫn đến một số vấn đề bất cập mới nảy sinh như: tình trạng di dân từ nông thôn đến đô thị; quản lý kiến trúc cảnh quan và môi trường đô thị. Do đó, cần quan tâm đến hạ tầng xã hội trong các chính sách phát triển của TP. Huế.
Về tổ chức chính quyền, đến nay, phần lớn các thành phố trực thuộc Trung ương đều đang tổ chức chính quyền đô thị. Khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương được thành lập, cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn về định hướng phát triển mô hình chính quyền đô thị để bảo đảm hiệu quả hoạt động.
Theo Báo cáo số 588/BC-CP, Chính phủ nhận định các cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thừa Thiên Huế chưa đủ mạnh để khai thác phát huy nội lực, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước và quốc tế. Kết quả thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vẫn còn khiêm tốn, chưa thực sự tạo động lực phát triển đột phá cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Vì vậy, cần sớm đánh giá toàn diện, trên cơ sở các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, ngành, tỉnh đã thông qua để xây dựng trình Quốc hội ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho TP. Huế trực thuộc Trung ương.
Tập trung, ưu tiên nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ về văn hóa
Đề cập một số vấn đề cụ thể cần quan tâm, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ, di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế là 2 yếu tố có vai trò quyết định trong việc đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
“Do đó, cần có chính sách, cơ chế đột phá để TP. Huế gìn giữ di sản và bản sắc văn hóa này. Đây cũng là trọng trách mà Đảng, Quốc hội và Nhân dân giao cho cho TP Huế. Các định hướng, giải pháp phát triển văn hóa và di sản văn hóa tại Đề án cần được cụ thể hóa hơn, nhất là về nguồn lực thực hiện, tiến độ thực hiện”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Lê Minh Nam đánh giá, Đề án chưa thể hiện rõ nội dung này, còn chung chung.
“Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị cũng xác định xây dựng thành phố Huế trực thuộc Trung ương nhưng theo các tiêu chí đặc thù, trọng tâm là tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản. Do đó, dù quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng cần phải quan tâm đến những đặc trưng, đặc thù của Huế để có sự quan tâm, bố trí nguồn lực cũng như trong kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Huế trực thuộc Trung ương”, đại biểu Lê Minh Nam đề xuất.
Đặc biệt, Đề án nêu vấn đề hình thành và phát triển công nghiệp văn hóa tại Huế. Theo đại biểu Lê Minh Nam, khi đã hình thành công nghiệp văn hóa thì sẽ gắn với những yếu tố mang tính chất hiện đại, những đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy phát triển các vấn đề về kinh tế văn hóa.
"Nhưng trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế văn hóa vẫn phải giữ được nền tảng gốc là văn hóa đặc sắc và di sản của Huế, nhất là 8 di sản văn hóa được UNESCO công nhận phải được bảo tồn, thậm chí nếu có thể thúc đẩy thêm được việc công nhận các di sản khác để tạo nên một Huế rất đặc trưng, đặc biệt. Khu vực Đông Nam Á có lẽ cũng chỉ có duy nhất Huế có tới 8 di sản được UNESCO công nhận”, đại biểu Lê Minh Nam nêu rõ.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị cần tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hóa khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đại biểu chỉ rõ, Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương xác định 5 nhóm chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, trong đó có Nhóm 3 về Nhóm chương trình, dự án về hạ tầng văn hóa. Dự kiến vốn đầu tư cho các chương trình, dự án ưu tiên thời kỳ 2021 - 2030 liên quan trực tiếp đến Đề án Thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương khoảng 65.000 - 70.000 tỷ đồng cho 5 nhóm này, tức là chỉ khoảng 15.000 tỷ đồng cho một nhóm là chưa cao.
Trong khi đó, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước còn thấp và còn xa so với tiêu chí 1,75 lần của thành phố trực thuộc trung ương. Quy mô kinh tế vẫn còn thấp hơn nhiều so với các thành phố trực thuộc Trung ương khác (năm 2023 thu NSNN đạt 11.350 tỷ đồng; chi ngân sách đạt 10.487 tỷ đồng, cân đối dư nhưng chưa nhiều (gần 1.000 tỷ đồng). Trên địa bàn tỉnh vẫn còn các khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số mà đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội.