Nhiều lợi ích khi tham gia cuộc chơi Net Zero
Tại Tọa đàm: “Thị trường tín chỉ carbon – đường đến Net Zero” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 23.8, ông Phạm Hồng Quân nhấn mạnh, Net zero đây là cuộc chơi, chính vì vậy các quốc gia, vùng lãnh thổ kể cả Việt Nam đều phải tham gia để hướng tới mục tiêu Net zero đã cam kết.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cũng phải nhìn nhận khi tham gia cuộc chơi Việt Nam đã có mục tiêu cao nhất liên quan đến cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050. Ngay từ cam kết đó, chúng ta đã cụ thể hóa công cụ pháp luật là Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định và một số các quyết định khác để thực hiện hoạt động tiếp theo trong cuộc đua Net zero.
Ngày 22.8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có cuộc họp Chính phủ để tháo gỡ, cũng như chuẩn bị cho việc ban hành Đề án Phát triển thị trường tín chỉ carbon. Tại đây, Phó Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt cần phải thực hiện gấp rút, nỗ lực, quyết tâm trong việc ban hành Đề án, cũng như các công cụ sửa đổi quy định hiện có trước đây, làm sao tiếp cận đại đa số doanh nghiệp, cũng như tiếp cận thị trường carbon quốc tế.

Việt Nam có những cơ hội nhất định liên quan trong việc học tập kinh nghiệm của các quốc gia đã phát triển thị trường carbon. Thị trường carbon được triển khai khi có Nghị định thư Kyoto năm 1997, thị trường carbon quốc tế đã được vận hành từ năm 2005. Chúng ta có một khoảng thời gian dài thực hiện một số dự án tiếp cận dự án liên quan đến CAM, đã có khoảng hơn 30 triệu tín chỉ carbon theo cơ chế dự án đó, cùng thêm các dự án tín chỉ carbon tự nguyện. Do đó, Việt Nam cần học hỏi thêm kinh nghiệm xây dựng tín chỉ carbon của EU, Hàn Quốc, Indonesia. Khi học những bài học kinh nghiệm này chúng ta có thể đưa ra những giải pháp, thực hiện chuẩn chỉnh hơn, chính xác hơn, hạn chế thao túng thị trường.
Chính sách "chậm" nhưng phải "chắc"
Ông Phạm Hồng Quân đưa ra ví dụ, thị trường carbon Hàn Quốc phát triển vào năm 2015, vận hành thí điểm và đi vào chính thức vào năm 2018. Trong thời gian đầu, khi triển khai phân bổ hạn ngạch, đến giai đoạn Covid-19 các doanh nghiệp hạn chế sản xuất, dẫn đến việc dư thừa hạn ngạch. Khi dư thừa hạn ngạch thì các doanh nghiệp đã tự trao đổi hạn ngạch với nhau, lợi dụng kẽ hở của hệ thống chính sách giá carbon đang xấp xỉ 30 USD đã tụt xuống 6 -7 USD trên thị trường của Hàn Quốc. Đấy là bài học mà Việt Nam cần xem xét kỹ khi xây dựng thị trường tín chỉ carbon. Trong Nghị định số 06/2022/NĐ-CP (sửa đổi), Chính phủ có những cơ sở, điều khoản ràng buộc hạn ngạch không được trao đổi quá tỷ lệ % nhất định, tránh tháo túng kẽ hở chính sách.
Hoặc nhìn rộng ra, các phương tiện truyền thông nhiều năm qua nhận định Việt Nam cần phải xanh hóa dệt may. Nếu nhìn sang Bangladesh, trong thời điểm đó, Bangladesh là quốc gia làm chủ công nghệ và đã đăng ký nhiều tiêu chuẩn liên quan đến xanh, giảm phát thải nhà máy, tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, hàng hóa xuất sang EU rất đều. Thời điểm đó, Bangladesh là một trong những mô hình các quốc gia phải học tập để chuyển đổi xanh. Nhưng nếu nhìn nhận toàn diện thì liệu quá trình chuyển đổi xanh đó có bền vững?
Theo ông Quân nhận định, phát triển bền vững theo định nghĩa phải công bằng, cân bằng giữa các nguồn tài nguyên khai thác, bây giờ phải thêm thành tố nữa là hài hòa sự phát triển kinh tế - xã hội thì mới phát triển bền vững.
Dưới góc độ Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đưa ra vấn đề thị trường carbon và đang là từ khóa được rất nhiều ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, người dân quan tâm. Đây vừa là trách nhiệm liên quan đến bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội nhưng cũng tạo ra được nguồn tài chính và nếu các tổ chức, doanh nghiệp, người dân nhận thức đúng, đủ thì chắc chắn tham gia hiệu quả vào phát triển thị trường carbon cũng như đem lại nguồn lợi nhuận.
Hiện chúng ta ban hành các chính sách pháp lý chậm, hy vọng “chậm” nhưng “chắc” nhưng không được chậm quá. Phải làm sao những nguồn tài chính liên quan đến giảm phát thải giữ lại trong nước và không để thất thoát khi tham gia vào cơ chế tín chỉ carbon.