Cân bằng hai mục tiêu phục hồi và phát triển

- Thứ Sáu, 07/01/2022, 16:08 - Chia sẻ

Trần Thị Kim Nhung
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh

Tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị khẩn trương, quyết liệt để trình Quốc hội tại kỳ họp này dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Nghị quyết cần được ban hành và thực hiện càng sớm càng tốt, vì “nếu để chậm sẽ có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới” như Chủ tịch Quốc hội đã nhận định.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) phát biểu tại Hội trường
Ảnh: Quang Khánh

Trước hết, tôi cho rằng, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm bám sát và cân bằng 2 mục tiêu: phục hồi và phát triển. Qua nghiên cứu dự thảo, tôi nhận thấy, nội dung về “phục hồi” chưa nhiều, chưa đủ rõ mà có phần thiên lệch; nội dung về “phát triển” khó có thể gói gọn trong 2 năm và cũng khó giải ngân do phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng như sự chuẩn bị hồ sơ, thủ tục và ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó, nên cân nhắc ưu tiên hơn nữa cho nội dung về phục hồi mà kết quả cần đạt được là vực dậy các doanh nghiệp gặp khó khăn, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng, tập trung hỗ trợ chuỗi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, đồng thời thúc đẩy đổi mới, sáng tạo để tạo động lực mới cho tăng trưởng.

Thứ hai, khâu tổ chức thực hiện là hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của chính sách. Với thời gian 2 năm là không nhiều và tính cấp thiết là chủ đạo thì Nghị quyết cần đưa ra các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể và thứ tự ưu tiên rõ ràng, để khi triển khai thực hiện sẽ làm được ngay. Vì vậy, cũng cần thống nhất về quan điểm rằng: khó có thể đòi hỏi Nghị quyết bảo đảm sự đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các địa phương, vùng, miền, mà cần có trọng tâm, trọng điểm hơn. Rút kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ trước, https://bs.serving-sys.com/Serving/adServer.bs?cn=display&c=19&pli=1077364460&adid=1085577114&ebaddid=a7fc6911a7c94134acd1c772024f9a8a&ord=1641452460298bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm thì cần phải đột phá trong cách làm mới có thể đạt hiệu quả cao. Trong đó, thủ tục phải gọn, đơn giản, rõ ràng, minh bạch và cần chú trọng đến khâu hậu kiểm, không đặt ra quá nhiều thủ tục tiền kiểm rườm rà.

Một yêu cầu nữa đặt ra là Nghị quyết cần bổ sung quy định chặt chẽ hơn để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách. Nội dung này cần được chi tiết hơn, cụ thể hơn, trong đó cần phân định, tránh trùng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; đồng thời giám sát, hướng dẫn để không xảy ra sai sót, vi phạm; bảo đảm có tính răn đe, ngăn ngừa cao hơn. Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành có cam kết rõ ràng về khả năng thực hiện và đánh giá cụ thể hơn về khả năng giải ngân cũng khả năng hấp thụ vốn.

Thứ ba, về các dự án đầu tư, đề nghị tiếp tục rà soát, làm rõ các dự án kết cấu hạ tầng cần được đầu tư, kiên quyết không đưa vào các dự án chưa đủ thủ tục, ưu tiên các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án trọng tâm, trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa, có khả năng hoàn thành sớm.

Hiện nay chưa có danh mục và mức bố trí vốn cụ thể nên cần khẩn trương rà soát thật kỹ, đưa vào Nghị quyết những nguyên tắc về tiêu chí, điều kiện, thứ tự ưu tiên các dự án để hạn chế tối đa việc xin - cho; đồng thời làm căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi phân bổ vốn và phục vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan thực hiện giám sát.

Thứ tư, về cơ chế đặc thù, tôi đề nghị cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện để dễ thống nhất trong việc xác định thế nào là “dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô vốn lớn” được áp dụng các cơ chế đặc thù như đề xuất của Chính phủ. Hoặc cần xem xét gắn cơ chế đặc thù với nội dung, dự án cụ thể, có phạm vi, quy trình, thủ tục rõ ràng, minh bạch, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, chặt chẽ, tránh lạm dụng, tiêu cực.

Nguyễn Vũ